"Tôi chạy trốn ác mộng nhưng lại rơi vào địa ngục", người phụ nữ di cư đến từ Guinea nói, cho hay cô bị dụ tới quốc gia Bắc Phi Libya.
Aisha trốn khỏi quê hương sau 5 lần sảy thai. Chồng và hàng xóm coi cô là vô sinh hoặc phù thủy. Nhưng người thiếu phụ đơn giản chỉ bị tiểu đường.
"Tôi chỉ muốn biến mất khỏi đất nước mình", Aisha, sinh viên tốt nghiệp ngành quản lý khách sạn, tâm sự.
Cô liên lạc với một bạn học cũ, người tự nhận kiếm sống được ở nước láng giềng Libya và cho Aisha vay tiền tới đây.
"Tôi thậm chí chưa kịp nhìn rõ quốc gia này. Vừa đặt chân lên đây, tôi đã bị nhốt lại, biến thành nô lệ. Cô ta đưa bọn đàn ông tới, lấy tiền rồi đi".
Bị nhốt trong phòng có một nhà vệ sinh, Aisha chỉ nhìn thấy người bạn đã lừa mình khi cô ta mang đồ ăn đến.
"Những gã đàn ông tới đây đều say xỉn. Tôi không muốn nhớ tới nữa", Aisha nói, vẫn còn run rẩy khi nhắc lại. "Tôi tưởng đời mình xong rồi".
Sau ba tháng, một người đàn ông Libya thương hại cô, đã đe dọa kẻ bắt cóc Aisha và đưa cô lên xe khách tới Tunisia. Khi đó trong túi Aisha chỉ còn 65 USD. Sau khi điều trị xong bệnh tiểu đường, cô thậm chí còn sinh một bé gái cuối năm ngoái.
Giờ đây, Aisha mơ được tới châu Âu và không bao giờ muốn quay lại Libya.
"Kể cả với kẻ thù tồi tệ nhất đời mình, tôi cũng không mong họ phải sống trong hoàn cảnh đó", Aisha nói.
Trong hai năm qua, cô sống cùng những phụ nữ nhập cư khác tại Medenine, miền nam Tunisia. Mongi Slim, người đứng đầu Hội Chữ thập đỏ của Liên Hợp Quốc tại địa phương, cho hay những người từng ở Libya đều bị ép làm gái mại dâm, từng bị cưỡng hiếp hoặc tấn công tình dục.
"Một vài người trong họ, nếu có đàn ông bảo vệ, sẽ sống tốt hơn. Nhưng đối với phụ nữ đơn thân, đa số đều trải qua tình cảnh tồi tệ", Slim nói.
Một số người di cư cho hay họ được khuyên dùng thuốc tránh thai ba tháng trước khi khởi hành, vài người luôn mang theo thuốc dùng trong buổi sáng, theo báo cáo của Liên Hợp Quốc.
Mariam, người Ivory, mồ côi cha mẹ, chỉ còn 1.200 USD trả cho chuyến đi vượt biển từ Abidjan tới Libya qua Mali và Algeria. Cô hy vọng kiếm đủ tiền ở Libya để sang châu Âu. Nhưng cuối cùng, cô ngồi tù cả năm, bị bóc lột tình dục trước khi bỏ trốn sang Tunisia năm 2018.
"Tôi làm việc 6 tháng cùng một gia đình, sau đó vượt biển tới Zuwara", một cảng ở phía tây Libya, người phụ nữ 35 tuổi cho hay. "Một nhóm đàn ông có vũ trang bắt chúng tôi, nhốt lại và cưỡng bức chúng tôi".
Mariam cho hay cô rơi vào tay những phiến quân điều hành các trại di cư trái phép, nơi nạn tống tiền, cưỡng hiếp và cưỡng bức lao động rất phổ biến.
"Mỗi sáng, tay cảnh sát trưởng sẽ ra quyết định, đưa những cô gái được chọn tới phòng những người đàn ông Libya", Mariam nói. "Chúng cho tôi ăn bánh mỳ, ăn cá, salad. Tôi ở đó cả tháng tới khi bị chuyển sang nơi khác".
"Chúng có vũ khí, hút hít, trả tiền cho cảnh sát trưởng nhưng không trả cho tôi".
Theo các nhóm nhân quyền, cả đàn ông và bé trai cũng bị lạm dụng tình dục.
"Bạo lực tình dục vẫn tiếp diễn mà không bị trừng phạt dưới tay những kẻ buôn người, buôn lậu dọc các tuyến di cư, trong các trung tâm giam giữ, trong nhà tù của cảnh sát", theo báo cáo năm 2019 của Liên Hợp Quốc.
Tình trạng tội phạm gia tăng từ khi Libya nổ ra nội chiến năm 2014. Ba trung tâm giam giữ người di cư ở Libya đóng cửa giữa năm 2019. Việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp mới do Liên Hợp Quốc bảo trợ hồi tháng 3 làm dấy lên hy vọng tình trạng bạo lực sẽ suy giảm.
Năm ngoái, Liên Hợp Quốc quyết định triển khai binh sĩ bảo vệ chống lại tội phạm tình dục, nhưng quyết định này vẫn chưa triển khai. Người di cư không được tị nạn vẫn phải quay lại Libya, trước sự thất vọng của các tổ chức quốc tế. Ngày 12/6, hơn 1.000 người vượt biên trên biển bị bắt và đưa trở lại nhà tù Libya.
Hồng Hạnh (Theo AFP)