Thứ sáu, 3/1/2025
Thứ sáu, 2/4/2021, 02:08 (GMT+7)

Di tích phố cổ sống chung với nhà dân, quán nước

Hà NộiNhiều đền, chùa nằm sâu trong ngõ nhỏ bị che khuất bởi nhà dân. Một số khác bị xâm lấn mặt tiền bởi hàng quán, xe cộ.

Hai bên tường bao đình Thái Cam, đường Hàng Vải là quán trà đá, quầy bán hàng chất tẩy rửa. Khi có khách đến hỏi thăm để vào trong tham quan, người bán hàng bên cạnh liên tục cảnh báo: "Chùa đang đóng cửa, bên trong có chó dữ".

Trên vỉa hè trước cổng chùa là nhiều xe cộ dừng đỗ, xe bán hàng... dù đã có biển Di tích được xếp hạng, cấm vi phạm. Chùa Thái Cam được xây dựng vào khoảng năm 1822, thờ Phật, Mẫu và Đức Thánh Trần. Chùa có cổng chính ở 44 Hàng Vải, cổng phụ là 16C Hàng Gà, Quận Hoàn Kiếm. Bên trong khuôn viên có sân đình, tiền đường, điện Phật, nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Ni. Chùa được xếp hạng Di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia năm 1990.

Tương tự trên phố Mã Mây, Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Đền Hương Tượng cũng thường xuyên có nhiều phương tiện dừng đỗ trước cửa, dù có biển nhắc nhở. Bên cửa phụ đền là quán trà đá.

Đình Nhân Nội trên phố Bát Đàn tạm thời đóng cửa. Buổi sáng ở đây thường xuất hiện cảnh người dựng xe trước cổng, hàng quán bên cạnh để đồ bán hàng trước cửa phụ.

Di tích Đền Thiên Tiên và miếu Thái úy Quốc công Lý Thường Kiệt nằm tại số 120C, phố Hàng Bông, chung một địa chỉ với Trung tâm học tập cộng đồng phường Hàng Bông và một nhà dân.

Từ cổng chính đi vào là trung tâm học tập. Bên phải là bia đá, bên trái là lối đi vừa một người dẫn vào nhà dân và đền.

Ngôi đền có diện tích khoảng 6m2 nằm khuất sâu bên trong, nếu không hỏi thăm, du khách khó tìm thấy. Theo một chủ quán trà đá bên ngoài, đền được trông coi bởi chính hộ dân ở đây và rất ít người đến tham quan, chiêm bái.

Quần thể di tích này được xây dựng vào thời Nguyễn, thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Thái úy Quốc công Lý Thường Kiệt. Quần thể di tích vẫn lưu giữ nguyên vẹn bia đá, chuông đồng, sắc phong, hoành phi câu đối.

Di tích Đình Trung Yên nằm trên tầng 2 một ngôi nhà đã xuống cấp trong ngõ Trung Yên, phố Đinh Liệt. Lối đi lên đình là qua một cầu thang hẹp chỉ vừa một người, bên tay phải là tấm biển đề Di tích Quốc gia.

Vị thần được thờ trong đền là Mỗ công (không rõ húy hiệu), đỗ tiến sĩ và làm quan lớn trong triều nhà Mạc. Ông hi sinh khi cản lối Triết Vương Trịnh Tùng, để chúa Mạc chạy thoát. Sau khi Triết Vương thu quân về Tây Đô (Thanh Hóa), chúa Mạc về giữ Đông Kinh (Thăng Long) và lập đền thờ ông tại nơi hi sinh là phường Đông Các, nay đền thuộc phường Hàng Bạc.

Người dân trông coi đền cho biết, vì đền nằm khuất trong ngõ nhỏ và trên tầng 2 nên rất ít người biết đến, nhưng bà vẫn thường dọn dẹp, cắm hoa, mua quả về thắp hương. Bà cho biết những hộ dân ở dưới tầng 1 của căn nhà đã chuyển đi hết.

Người dân bày biện hàng hóa trước đền Xuân Yên, phố Hàng Cân.

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net