Đoàn bác sĩ đã thăm khám cho 30 bệnh nhi tại Bệnh viện Sản Nhi Phú Yên với những dị tật bẩm sinh như tật lỗ tiểu đóng thấp, tinh hoàn ẩn, thoát vị bẹn, vùi dương vật, hẹp bao quy đầu... Đặc biệt, có bé mới 5 ngày tuổi nghi ngờ bệnh lý phình đại tràng bẩm sinh gây nên tình trạng không đi ngoài được.
Sau đó, 17 trẻ được phẫu thuật thành công. Số bệnh nhi còn lại được gửi lên Bệnh viện Nhi đồng 2 vì tính chất phức tạp của phẫu thuật, phải hồi sức trước và sau mổ.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, lứa tuổi phát hiện và điều trị dị tật bẩm sinh hệ tiết niệu sinh dục thường trước 1 tuổi. Tuy nhiên, có thể do nhiều lý do khách quan nên các bệnh nhi tại Phú Yên đến khám đều đã lớn.
"Việc chẩn đoán và điều trị chậm trễ sẽ có những hậu quả nguy hiểm như thoát vị bẹn có nguy cơ nghẹt và hoại tử ruột, tinh hoàn ẩn ở những trẻ lớn hơn 10 tuổi có nguy cơ ung thư tinh hoàn rất cao, hẹp da quy đầu với nhiều lần viêm nhiễm gây xơ chai da quy đầu cũng có nguy cơ gây ung thư dương vật về sau, tật lỗ tiểu đóng thấp - thậm chí có trẻ 14 tuổi vẫn chưa được điều trị - gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý cũng như chức năng…", bác sĩ Thạch phân tích.
Sau phẫu thuật, đoàn bác sĩ Nhi đồng 2 đã dành một ngày để tập huấn cập nhật, chuyển giao kiến thức phát hiện dị tật bẩm sinh và xử trí ban đầu cũng như chuyển viện an toàn cho các bác sĩ trong mạng lưới y tế tại Phú Yên. Tuy bệnh viện này mới vừa tách ra hơn một năm nhưng cũng đã dần đảm đương các phẫu thuật dị tật bẩm sinh.
Lê Phương