Với những quy định nghiêm khắc về vệ sinh môi trường, Lý Quang Diệu cho thấy tầm nhìn xã hội của nhà lãnh đạo Singapore hiện đại, trong đó trách nhiệm đối với cộng đồng vượt lên lợi ích cá nhân để hướng tới những điều tốt đẹp hơn.
Một trong những hành động sớm nhất của đảng Hành Động Nhân dân cầm quyền từ những năm 1960 đó là tiến hành chương trình loại bỏ các gánh hàng rong trên phố và tái định cư họ trong những quầy bán hàng cố định, có tổ chức chung và được quản lý với các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.
Cũng trong thập niên đó, quy hoạch nhà ở công cộng quy mô lớn được thực hiện đi kèm những quy định chặt chẽ về vệ sinh và trật tự. Việc tiểu tiện trong thang máy các tòa chung cư bị cấm và các máy phát hiện mùi nước tiểu được lắp đặt để ngăn chặn những người vi phạm. Ngay cả việc đi tiểu vương vãi trong nhà vệ sinh công cộng cũng bị phạt.
Các nhà quản lý thuộc Ban Phát triển Nhà ở đã liệt kê ra trên trang web của mình những vật dụng bị cấm treo ở những cọc tre phơi đồ thò ra từ các căn hộ. Trong danh sách này có cả nồi nấu ăn và xe đẩy hàng.
Trước thực trạng xả rác bừa bãi ngày càng gia tăng, giới chức buộc những người vi phạm phải tự làm sạch đường phố và mức tiền phạt cũng được nâng cao. Năm ngoái, số tiền phạt tối đa cho hành vi xả rác tăng gấp đôi lên 2.000 USD trong lần vi phạm đầu tiên và tăng gấp 5 lần nếu tái phạm.
Hồi tháng một, Singapore đề ra mức phạt 15.000 USD đối với những người ném tàn thuốc lá qua cửa sổ căn hộ của mình, một mức phạt lớn chưa từng có.
Goh Chok Tong, người kế nhiệm ông Lý năm 1990, là người đã đề xuất lệnh cấm kẹo cao su vào năm 1992. Động thái này khó diễn ra nếu không có sự đồng thuận của ông Lý, người vẫn giữ một ảnh hưởng lớn trong nội các lúc bấy giờ.
Thực tế, việc sở hữu hay nhai kẹo cao su ở Singapore không phải là bất hợp pháp. Hành vi bị cấm ở nước này là buôn bán hoặc nhập khẩu kẹo cao su. Mục đích của điều luật là ngăn chặn hiện tượng bã kẹo bị nhả bừa bãi ở hệ thống tàu điện ngầm đắt tiền, dính trên các cửa kiểm soát hay ghế ngồi.
Hình phạt đối với hành vi buôn bán kẹo ca su trái phép rất nặng. Ngay từ lần đầu tiên, người vi phạm đã có thể bị phạt lên tới 100.000 SGD (hơn 70.000 USD) và hai năm tù.
Lệnh cấm trên đã phát huy hiệu quả ngay lập tức. Chỉ trong vài tháng, việc nhai kẹo cao su biến mất ở Singapore. Những bã kẹo không còn trên các vỉa hè.
Năm 2004, lệnh cấm được nới lỏng nhờ sự vận động của Wrigley, một nhà sản xuất kẹo cao su Mỹ. Việc buôn bán kẹo cao su không đường với mục đích y tế được cho phép trong giới hạn.
Daniel Wang, quan chức chính phủ thực thi lệnh cấm kẹo cao su của Singapore, vừa qua đời tuần trước ở tuổi 71. Ông thừa nhận loại kẹo này tốt cho sức khỏe của nướu và vẫn được sử dụng với những lý do y học. Tuy nhiên, ông vẫn thực hiện lệnh cấm của chính phủ.
Anh Ngọc