Ông vừa được coi là cha đẻ của nền dân chủ ở Nga vừa là người gây ra khó khăn vất vả cho người dân nước này sau khi Liên Xô tan rã. Mikhail Gorbachev, tổng thống Liên Xô và từng có thời là đối thủ về quyền lực của Yeltsin, phát biểu rằng Yeltsin là người "gánh trên vai những sự kiện trọng đại nhất của quốc gia, và cả những lỗi lầm to lớn nhất".
![]() |
Cựu tổng thống Nga Boris Yeltsin năm 2002. Ảnh: AFP. |
Mặc dù các nỗ lực cải cách của Yeltsin diễn ra chậm chạp, ông đã xóa bỏ được sự kiểm duyệt của chính quyền với báo chí, cho phép công chúng chỉ trích chính quyền và chèo lái nước Nga đến với thị trường tự do. Công cuộc tư nhân hóa nhanh chóng các tài sản quốc gia đã dẫn đến một thứ chủ nghĩa tư bản gian hùng và một tầng lớp tài phiệt mới có sức mạnh chính trị. Cũng chính những hành động của Yeltsin đã khẳng định rằng tình thế ở Nga sẽ không có thể trở lại thời kinh tế kế hoạch tập trung - cơ chế từng ngăn cản tốc độ tăng trưởng kinh tế và làm kiệt quệ một đất nước có đầy nhân tài và tài nguyên.
Nói không quá, Yeltsin chính là nhân tố khiên Liên bang Xô Viết tan rã và cho phép các các cộng hòa của nó trở thành các quốc gia độc lập.
Kỷ nguyên Yeltsin bắt đầu từ tháng 8/1991, khi ông leo lên một chiếc xe tăng và kêu gọi người dân Matxcơva phản đối cuộc đảo chính của phái tả muốn lật đổ Gorbachev. Yeltsin trở thành một anh hùng trong mắt nhiều một phần người dân Nga và những người xem truyền hình trên thế giới khi đó. Kỷ nguyên Yeltsin chấm dứt bằng bài phát biểu từ chức của ông vào đêm giao thừa năm 1999, khiến cả thế giới ngạc nhiên.
Trong sự nghiệp của Yeltsin có những khoảng khắc quan trọng về chính trị, những biến cố về kinh tế khiến đồng bào của ông phải vật vã và khiến một số người có đặc quyền phất lên cực nhanh.
Xoay chuyển con tàu Liên Xô với ngành công nghiệp quân sự nặng nề, nền kinh tế suy nhược, môi trường bị tàn phá, hệ thống y tế và giáo dục kém hiệu quả, là một sứ mệnh khổng lồ đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mạnh khỏe và đang thời sung sức nào. Ở Nga, công việc xây dựng một nhà nước mới đặt lên vai Yeltsin - một nhà cải cách tận tâm nhưng không hoàn hảo, một người có sức khỏe bấp bênh thường biến mất một cách bí ẩn vì những vấn đề của tim mạch và hô hấp, một người uống nhiều và thường suy nhược. Những điểm yếu này gây cho người ta cảm giác về một cơ hội bị đánh mất.
Yeltsin qua đời, trong khi niềm mong ước lớn nhất của ông dành cho người Nga mới chỉ được hiện thực hóa một phần. "Tôi muốn chứng kiến cuộc sống của họ (nhân dân) được cải thiện", Yeltsin từng nói, khi nhớ đến nỗi khổ cực của mình - trưởng thành trong một căn hộ một phòng lạnh lẽo. "Đó là điều quan trọng nhất".
Nhưng trên thực tế, với những thay đổi và xáo trộn diễn ra khi chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung mà ông thừa hưởng từ Liên Xô, đời sống của hầu hết người dân đã bị xuống cấp. Lạm phát lan tràn, người nghèo nghèo hơn, những kẻ cơ hội phất lên nhanh chóng, quân nhân và công chức, công nhân quốc doanh không được trả lương, tội phạm bùng nổ. Những di sản tiêu cực có từ thời Liên Xô không được đẩy lùi.
Gorbachev muốn duy trì Liên bang Xô viết bằng các chương trình công khai hóa và cải tổ, để chủ nghĩa cộng sản gần dân hơn. Nhưng Yeltsin lại cho rằng dân chủ, pháp trị và thị trường mới là giải pháp cho các vấn đề của nước Nga.
Trong chuyến thăm Mỹ năm 1989, Yeltsin càng bị thuyết phục rằng chính nền kinh tế kế hoạch tập trung - cơ chế khiến người dân phải xếp hàng dài dằng dặc để mua nhu yếu phẩm và các cửa hàng thường trống trơn - là điều khiến kinh tế Nga khốn khó. Yeltsin choáng ngợp trước những gì được chứng kiến ở siêu thị Houston, trước hằng hà sa số các loại rau thịt mà người dân Mỹ có thể mua.
"Tôi nghĩ chúng ta phạm tội ác với dân chúng, nếu chúng ta để mức sống của người dân thấp một cách không thể so sánh được với mức sống của dân Mỹ", tác giả Leon Aron trích lời Yeltsin nói, trong cuốn tiểu sử "Yeltsin, một cuộc đời cách mạng".
Một trợ lý của Yeltsin, ông Lev Sukhanov, cho biết rằng đó chính là lúc "dấu vết cuối cùng của chủ nghĩa Bolshevic sụp đổ" bên trong Yeltsin.
Yeltsin luôn là người sống sót, tồn tại được qua những biến cố: khai trừ khỏi Bộ chính trị Liên Xô năm 1987, đảo chính năm 1993, cuộc tấn công thất bại nhằm vào tỉnh ly khai Chechnya năm 1994, thách thức trong cuộc bầu cử năm 1996, sự sụp đổ của nền kinh tế năm 1998 và cuộc luận tội tổng thống do những người Cộng sản tiến hành năm 1999.
Ông cũng sống sót qua nhiều lần bệnh tật, gồm bệnh cúm, viêm phổi và phế quản, phẫu thuật bắc cầu tim, đột quỵ, chảy máu nội tạng, vô số loại bệnh khác và cả những lần suýt ngã trong các cuộc lễ lạt chính thức.
Bất chấp tất cả những điều đó, Yeltsin đã tạo ra những thay đổi căn bản về kinh tế: một nền kinh tế thị trường cho dù đầy rẫy méo mó và tham nhũng, một tầng lớp doanh nhân mới và trẻ, và tỷ lệ tội phạm giảm bớt trong những năm cuối sự nghiệp của ông.
Nhưng Yeltsin không thành công khi phải thiết lập một khung chính trị và kinh tế cần thiết cho một nước Nga phát triển vững vàng. Sự nghiệp chính trị của Yeltsin cuối cùng bị phủ bóng bởi sự phản đối mãnh liệt - xuất phát từ chính những thay đổi mà ông đưa ra, cũng như từ cuộc chiến ở Chechnya, cuộc chiến mà ông không thể thắng và không muốn chấm dứt.
Qua nhiều biến động thăng trầm kể từ khi gia nhập đảng Cộng sản năm 1961, rồi đứng trên nóc chiếc tăng T-72 kêu gọi phản đảo chính năm 1991, ký thỏa thuận giải tán Liên bang Xô viết để lập nên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), cuối cùng khi Yeltsin rời chính trường, ông đã mỏi mệt.
"Tôi cảm thấy mình như một người đã chạy xong quãng đường 40 cây số", Yeltsin viết trong hồi ký về những tháng năm làm tổng thống. "Tôi từ bỏ tất cả. Tôi đã dành cả trái tim và trí lực để chạy quãng đường maraton tổng thống. Tôi đã đi đoạn đường một cách trung thực. Nếu có phải biện hộ điều gì, tôi sẽ nói rằng: Nếu các bạn có thể làm tốt hơn, hãy làm đi. Hãy chạy 40.000 cây số. Hãy chạy nhanh hơn, tốt hơn, đẹp hơn, và thoải mái hơn đi. Bởi vì tôi đã chạy rồi".
T. Huyền (theo IHT)