Nhóm chuyên gia từ Đại học Tổng hợp London đã tìm hiểu trên hơn 11.000 trẻ ở tuổi lên 7, trong đó cha mẹ phải ghi lại lịch sinh hoạt hàng ngày của gia đình khi trẻ ở thời điểm 3 - 5 - 7 tuổi.
Ở tuổi lên 7, các bé thực hiện những bài kiểm tra về đọc - toán và không gian để xác định xem liệu giờ đi ngủ có ảnh hưởng đến điểm số của chúng hay không, và liệu rằng các ảnh hưởng này tăng dần hay biến mất theo thời gian.
Kết quả khảo sát cho thấy, những trẻ có giờ ngủ tối thất thường ở tuổi lên 3 thể hiện điểm số thấp ở tất cả 3 dạng bài thi, chứng tỏ lứa tuổi này là giai đoạn cực kỳ quan trọng trong sự phát triển của trẻ.
Việc đi ngủ thất thường ở tuổi lên 5 dường như không để lại ảnh hưởng đến trí tuệ về sau, nhưng các bé gái vẫn duy trì thói quen đó đến tuổi lên 7 thì cũng có điểm số thấp hơn ở tất cả 3 khía cạnh được kiểm tra.
Việc đi ngủ thất thường dễ thấy nhất ở nhóm trẻ 3 tuổi, và trẻ sinh ra trong những gia đình nghèo thường hay đi ngủ muộn nhất, hoặc vào các thời gian lộn xộn trong ngày.
Giờ đi ngủ thất thường làm phá vỡ nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể và có thể gây thiếu ngủ, từ đó hạn chế khả năng hấp thụ và lưu giữ thông tin mới của não bộ, nhóm nghiên cứu lý giải.
Viết trên tạp chí Epidemiology and Community Health, các nhà nghiên cứu cho rằng giấc ngủ là "sự đầu tư cần thiết cho phép tái tạo lại năng lượng cho một ngày mới".
"Sự phát triển ở giai đoạn ban đầu của trẻ có ảnh hưởng sâu sắc lên sức khỏe và tình trạng hạnh phúc suốt cuộc đời. Vì thế, việc tránh làm gián đoạn giấc ngủ, đặc biệt ở các giai đoạn quan trọng của sự phát triển, có thể có tác dụng quan trọng lên sức khỏe suốt cuộc đời", các tác giả viết.
Thuận An (theo Telegraph)