Sau lễ tâm tang kéo dài 7 ngày, vào 9h sáng 29/1, lễ trà tỳ (hỏa táng) của thiền sư Thích Nhất Hạnh diễn ra tại Công viên vĩnh hằng vườn địa đàng Huế - phường Thủy Bằng, TP Huế.
Thực hiện di huấn của thiền sư Thích Nhất Hạnh, những ngày qua tang lễ tại Tổ đình Từ Hiếu - nơi ngài tịnh dưỡng cuối đời, được tổ chức theo hình thức của một khóa tu im lặng. Các tăng ni, người dân đến thăm viếng đều được khuyến khích thực tập tâm niệm cúng dường để lễ tâm tang diễn ra trong trang nghiêm, thanh tịnh và nhẹ nhàng.
Sau lễ trà tỳ hôm nay, xá lợi của thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp.
Nhiều năm trước, lúc sinh thời ni sư Thích Đàm Nguyện ở chùa Đình Quán, Hà Nội phát tâm nguyện xây một bảo tháp cho thiền sư Thích Nhất Hạnh. Biết được chuyện này, thiền sư chia sẻ: Đã lỡ xây rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ "Trong này không có gì". Thầy không nằm trong tháp ấy đâu. Nếu người ta vẫn chưa hiểu thì ghi thêm một câu nữa: "Ngoài kia cũng không có gì". Và nếu vẫn còn chưa hiểu thì ghi thêm một câu chót là: "Nếu có gì thì có trong bước chân và hơi thở của bạn".
Câu chuyện trên được thiền sư Thích Nhất Hạnh nhắc lại trong dịp kỷ niệm 30 năm Làng Mai tại Pháp. Trong pháp thoại của mình, ngài dặn các đệ tử: "Nếu một ngày thầy mất, đừng xây tháp mộ gì cho thầy. Tốn kém tiền của. Tốn đất của dân. Dân mình còn nghèo lắm. Hãy hỏa táng thầy. Tro cốt thầy, hãy chia đều cho các Thiền viện của Làng Mai trên khắp thế giới rồi rải trên những con đường mà hàng ngày các con đi thiền hành. Làm như thế, ngày ngày, thầy và các con vẫn đi thiền hành chung".
Ngài cũng từng nói với các học trò "nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo của một cuốn sách của thầy như cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức, tảng đá đó có thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro. Đem tro mà rải hết ra ngoài để nuôi cây cỏ. Đừng ngăn ngừa sự tiếp nối của nắm tro ấy".
Thiền sư giải thích rõ hơn: "Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ, đặt vào trong tháp. Thầy không phải là nắm tro đó. Chả lẽ thầy chỉ là nắm tro ấy hay sao? Thầy là một thực tại linh động, đang sống, đang có mặt khắp nơi. Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy, trong các vị cư sĩ đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có Sám pháp địa xúc là có thầy! Cho nên không được nhốt thầy trong cái hũ nhỏ rồi cầm tù thầy trong một ngọn tháp. Thầy đâu có muốn thầy là một ngọn tháp. Tốn đất chùa vô ích".
Theo Ni sư Thích Nữ Định Nghiêm (ni xá Diệu Trạm, chùa Từ Hiếu), di huấn tổ chức lễ tâm tang cũng như không xây bảo tháp của thiền sư Thích Nhất Hạnh là ngài muốn bỏ qua hình thức, đi thẳng vào nội dung và thực hiện điều cốt lõi của đạo Bụt, đó là "không sinh không diệt".
Thiền sư dạy rằng "khi ta nhìn lên bầu trời và không thấy đám mây mà ta yêu quý đâu nữa, ta nghĩ rằng đám mây đó đã chết, nhưng sự thực là đám mây đó vẫn đang tiếp tục tồn tại nhưng dưới hình tướng là mưa hay những hình tướng khác mà thôi. Sinh và diệt chỉ là những hiện tượng mà ta nhìn thấy trên bề mặt. Nếu ta nhìn thật sâu thì không có sinh cũng không có diệt, chỉ có sự tiếp nối không ngừng. Khi ta tiếp xúc được với bản chất không sinh không diệt thì ta không còn lo sợ cái chết".
Ni sư Thích Nữ Định Nghiêm nói, với tang lễ, nếu chúng ta bỏ công sức vào hình thức bên ngoài thì sẽ không có thì giờ và năng lượng để tập trung vào nội dung cốt lõi. Bởi vậy lễ tâm tang của thiền sư Thích Nhất Hạnh "đi thẳng vào nội dung, ai đến cũng thực tập im lặng, thực tập thân tâm lắng xuống để tạo năng lượng chánh niệm, trước hết là tốt cho mình, sau là cúng dường lên sư ông".
"Cả cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn dạy mọi người nắm được điều quan trọng của đạo Bụt, đó là không sinh không diệt. Bởi vậy, sư ông mới bảo khỏi xây tháp cho mình", ni sư Thích Nữ Định Nghiêm chia sẻ thêm.
Đại đức Thích Hương Yên, Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, kể lại lần đầu tiên được gặp thiền sư Thích Nhất Hạnh ở tổ đình Tường Vân vào năm 2005 và lần thứ hai ở New Delhi (Ấn Độ) năm 2008. Lần nào thiền sư cũng nhắc: "Nhìn lại đi, thầy đang ở trong con, và trong từng nụ hoa, chiếc lá. Nếu gọi tên thầy, con sẽ tự khắc thấy thầy ngay"
"Chừng đó câu chữ đã đi theo chúng tôi đến tận bây giờ. Những ngày tâm tang, nghĩ về thầy thì tự trong tâm hình bóng thầy ngập tràn, đó là Phật tánh trong mỗi người mà có thể lâu nay bị che khuất bởi bóng tối vô minh", Đại đức Thích Hương Yên nói.
Những năm cuối đời, thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về quê hương, về lại ngôi chùa Từ Hiếu nơi ông xuất gia để an dưỡng chờ đến ngày viên tịch. Ngài đã viết thư gửi cho tăng ni, phật tử chùa Từ Hiếu, chia sẻ vui mừng khi được trở về.
Trong thư, ngài tâm sự mặc dù sống nơi đất khách quê người, nhưng mỗi mùa thu về, "lòng tôi vẫn hướng về chư vị tổ sư và đem tâm thành đảnh lễ quý ngài". Trên 70 năm qua, kể từ rời khỏi Phật học đường Bảo Quốc, ngài đã "chuyên tâm và một lòng thực hiện sứ mệnh mà chư tổ đã tin tưởng và phó thác"
"Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả Đông Tây đã phần nào được thành tựu. Vòng tròn giờ đây đang được khép lại, tôi thấy rằng đã đến lúc tôi cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này. Ao ước được trở về sống nơi đất tổ và xây dựng nề nếp tu học ở Tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi suốt những năm qua", thiền sư Thích Nhất Hạnh viết.
Ni sư Thích Nữ Định Nghiêm cho biết, thực tập theo lời sư ông giảng dạy, tất cả các tu viện của Làng Mai và chùa Từ Hiếu, mỗi tuần hai lần vào ngày Chủ nhật và Thứ năm đều thực tập quán niệm.
"Lúc sinh thời, sư ông thấy khi các vị tu sĩ đến chùa chỉ thắp nhang, lễ Phật, cúng bái thì không đủ. Ước mong của thầy là các tu sĩ cũng được tu, cũng được thực tập nghe pháp, cũng được ngồi thiền, được đi thiền hành. Chỉ những cái đó mới giúp mình trong đời sống hàng ngày. Bởi vậy các chùa làm theo sư ông đều phải tổ chức các ngày quán niệm cho các tu sĩ", ni sư Định Nghiêm nói.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96.
Võ Thạnh