Linh cữu thiền sư được đặt ở thiền đường Trăng Rằm. Các tăng ni, người dân đến cung kính bái lạy rồi chọn một nơi trong khuôn viên chùa để thực hành khoá tu im lặng theo di nguyện của ngài.
Theo Hòa thượng Thích Hải Ấn, Viện trưởng Viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, lễ tâm tang của thiền sư Thích Nhất Hạnh thực hiện theo truyền thống Phật giáo và cũng là lời dặn của ngài trước khi viên tịch. Theo đó, lễ tang sẽ diễn ra nhẹ nhàng, trang nghiêm. Mọi người đến viếng tự nhiên, không cần chuông, trống báo và cùng thực tập "tâm niệm cúng dường" trong sự im lặng.
Chị Linh Nhi, 30 tuổi, cũng một số người bạn từ TP HCM đặt vé máy bay ra Huế để viếng thiền sư. Từng tham dự khóa tu Làng Mai ở Thái Lan và nghiền ngẫm nhiều cuốn sách của thiền sư Thích Nhất Hạnh, Linh Nhi thấm nhuần những gì ngài đã trao truyền. Chị và các bạn lặng lẽ xếp hàng vào thiền đường Trăng Rằm, được các ni sư hướng dẫn hành lễ với ba lần quỳ bái, sau đó đi thiền hành quanh linh cữu ngài.
Sau lễ viếng, chị Linh Nhi tìm một góc trong khuôn viên trước thiền đường Trăng Rằm ngồi thiền.
"Lúc mới nhận tin sư ông mất, tôi thấy buồn lắm song nghĩ rằng đây không phải là mất đi mãi mà đang thực hiện sứ mệnh tiếp nối. Tôi vẫn gặp sư ông trong các bài giảng và noi theo năng lượng mà sư ông trao truyền", Linh Nhi nói.
Chị chia sẻ thêm: "Bất ngờ khi đến dự lễ tang rất đông người song tất cả đều tĩnh lặng, không hề có tiếng kèn, tiếng trống. Mọi người đến với nhau, thăm hỏi cảm giác như đi dự một khóa tu trước đây và không có gì quá nặng nề". Từ đó, chị cảm thấy "di nguyện của thầy để lại đang được thực hiện và có lẽ thầy cũng mãn nguyện".
Cũng như chị Linh Nhi, sau khi viếng thiền sư Thích Nhất Hạnh, anh Nguyễn Viết Thanh, 40 tuổi, ở phường Thủy Xuân, TP Huế, ngồi lặng lẽ hồi lâu cạnh tháp chuông trong khuôn viên chùa Từ Hiếu, hướng ánh mắt về thất Lắng Nghe và thiền đường Trăng Rằm.
"Nghe tin thầy mất, sáng sớm hôm qua (23/1), tôi đến chùa để được nhìn thấy thiền sư lần cuối. Sáng nay, tôi lại đến thắp cho ngài nén nhang nhưng tăng ni bảo chỉ cần chấp tay lạy 3 lần, không thắp nhang, không vòng hoa phúng điếu. Lễ tang diễn ra trong tĩnh lặng song rất trang nghiêm", anh Thanh nói.
Suy ngẫm về những lời giảng của thiền sư Thích Nhất Hạnh, anh Thanh chia sẻ "đọng lại trong tôi lớn nhất là sự giác ngộ, biết sai mà sửa".
Chị Võ Thị Kim Phụng ở phường An Cựu, TP Huế, cùng người bạn ở TP HCM sau khi viếng cũng chọn một góc riêng ngồi thiền tĩnh tâm. Chị Phụng cho hay, vào năm 2005 khi thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu trở về Việt Nam thăm lại chùa Từ Hiếu, chị có cơ duyên gặp ngài và chụp chung một tấm hình. "Khi thiền sư mất, tôi cảm nhận những gì thầy giảng dạy đang lan tỏa. Đó là tâm an trú, bình yên. Mọi người khi ngồi thiền trong chùa là đang thực hành những gì đã học được từ bài giảng và sách của thầy", chị Phụng nói.
Sáng cùng ngày (24/1), Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng đoàn của Giáo hội đã vào viếng linh cữu thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trong sổ tang, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn viết "sự ra đi đi của Trưởng lão Hòa thượng Thích Nhất Hạnh là một sự mất mát to lớn của Phật giáo Việt Nam. Kể từ đây Phật giáo Việt Nam vắng bóng bậc thạch trụ tòng lâm, mãi mãi rời xa một bậc tôn sư trí tuệ, tài năng, uyên bác. Song, ngài đã đã để lại cho chúng ta một gia tài phong phú về kho tàng trước tác văn chương, học thuật, về tấm gương sáng ngời ý chí tu hành, về tâm huyết và sứ mạng hoằng pháp lợi sanh".
Cũng theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những người tiên phong mang đạo Phật đến với xã hội Phương Tây, "khai mở và hướng nhân loại tìm đến con đường đúng đắn về đời sống hạnh phúc, giải quyết các vấn đề của xã hội đương thời, góp phần xây dựng hòa bình thế giới theo triết lý Phật giáo".
Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, phường Thủy Xuân, TP Huế, lúc 0h ngày 22/1, ở tuổi 96. Tang lễ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.
Sau lễ trà tỳ 7h ngày 29/1 (27 tháng Chạp), xá lợi thiền sư sẽ được an vị tại Tổ Đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới (không xây bảo tháp đặt lọ tro) để thực hiện theo di nguyện của ngài.