Trao đổi với VnExpress.net, anh Hà (quận Hoàng Mai) cho biết ban đầu anh lên mạng tìm điểm hiến máu tại Hà Nội, gặp trang web của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, hướng dẫn đến địa chỉ 78 đường Giải Phóng, thời gian từ 6 giờ đến 20 giờ tất cả ngày trong tuần.
Song đến nơi, anh không thấy chỉ dẫn nơi hiến máu. Vào "Khu tiếp máu, trực 24/24h" hỏi, nhân viên trực trả lời không nhận hiến máu ở đây nữa và hướng dẫn anh Hà đến đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy) nhưng lại không cho địa chỉ cụ thể. Kết quả là sau nhiều giờ tìm kiếm vẫn không thấy nơi tiếp nhận hiến máu trên đường Nguyễn Phong Sắc, anh Hà đành ra về, trong lòng cảm thấy không vui.
"Nhiều người được mời hiến máu mà không tham gia, còn mình tự nguyện cho lại không biết đến chỗ nào tiếp nhận", anh Hà tâm sự.
Anh cũng cho rằng nếu cả Hà Nội chỉ có một chỗ hiến máu ở đường Nguyễn Phong Sắc thì không ổn, vì không phải ai cũng ở gần đó hoặc thuận tiện đường đi lại để đến đấy. Theo anh, Viện huyết học nên có nhiều nơi nhận hiến máu, phân bố nhiều nơi trong thành phố và thông báo địa chỉ rõ ràng để người dân được biết.
Cũng gặp phải tình cảnh như anh Hà, Nhung, sinh viên năm thứ 2 Cao đẳng Công nghệ Bắc Hà, Từ Liêm, Hà Nội, muốn đi hiến máu mà không biết chỗ. Nhung rủ hai cô bạn cùng phòng đến UBND huyện Từ Liêm để xin hiến máu. Đến nơi, cả bọn ngơ ngác vì không biết liên hệ ở đâu, hỏi bác bảo vệ thì bị mắng: "chỗ này là cơ quan nhà nước, ai người ta cho hiến máu mà đòi đăng ký".
Người tham gia hiến máu chủ yếu vẫn là học sinh, sinh viên. Ảnh: P.N. |
Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Huyết học và Truyền máu Trung ương thừa nhận, gần đây Viện đã xây dựng thêm cơ sở mới chuyên về máu nhưng vì là khu mới, địa chỉ chưa rõ ràng nên có thể gây một số khó khăn đối với người cho máu. Hiện việc xây dựng đã hoàn tất, những ai muốn hiến máu có thể đến 14 Trần Thái Tông nối dài (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) hoặc liên hệ trước qua điện thoại.
Theo ông Trí, tại Hà Nội, người cho máu có thể đến hiến tại trạm y tế Đại học Sư phạm hoặc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Viện cũng có 6 xe lưu động nhận hiến máu, được luân chuyển đặt tại các điểm như cổng Đại học Giao thông, Đại học Thương Mại, Bách hóa Thanh Xuân...
Hôm 14/6, tỉnh Kon Tum tổ chức lễ tôn vinh 200 người hiến máu tình nguyện để cứu người bệnh. Đây là những gương tiêu biểu, tham gia hiến máu nhiều lần, phổ biến từ 3 đến 5 lần, nhiều người hiến đến hơn 8 lần... Tỉnh cũng phát động phong trào hiến máu tình nguyện vì sự sống của người bệnh, với thông điệp "Dòng máu mới - cho bạn - cho tôi". Sơn Nguyễn |
"Hiện nay lượng máu thu gom được trên cả nước mới chỉ đáp ứng 40% nhu cầu điều trị. Tình trạng thiếu máu vẫn diễn ra phổ biến, có ngày thu được 125 đơn vị máu thì phát ra đến 720 đơn vị. Vì thế có ai tự nguyện đến với chúng tôi đều rất quý", ông Trí nói.
Tiến sĩ Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cho biết, người dân muốn hiến máu có thể đến trực tiếp khoa huyết học của bệnh viện đa khoa, trung tâm huyết học các tỉnh hoặc đăng ký với hội chữ thập đỏ trên địa bàn. Ngoài những điểm thu gom máu cố định này, trong năm còn nhiều ngày hội hiến máu khác như: Ngày chủ nhật đỏ, Lễ hội Xuân hồng, Ngày toàn dân hiến máu, Phong trào những giọt máu hồng hè....
Theo đánh giá của các chuyên gia, để đảm bảo nhu cầu máu điều trị cho người bệnh, phải có ít nhất 2/3 dân số đi hiến máu. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay số người hiến máu chưa chiếm đến 1%, trong đó đến 70% là sinh viên, học sinh.
"Nếu làm tốt công tác tuyên truyền thì cũng phải 10-20 năm nữa, chúng ta mới có đủ máu để điều trị. Điều quan trọng là phải vận động được toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện", ông Tăng nhấn mạnh.
Phương Trang