Bà Lê Thị Hằng. Ảnh: Hoàng Thùy |
Gương mặt phúc hậu, nụ cười luôn thường trực trên môi, bà Hằng tâm niệm, mỗi giọt máu cho đi là một người bệnh được cứu sống. Vì thế, không chỉ tích cực hiến máu, bà còn vận động chồng, con, anh, chị em và hàng xóm tham gia các lễ hội xuân hồng, chia sẻ khó khăn với những người bệnh cần máu.
Bà kể, lần đầu tiên hiến máu là năm 2004, tưởng đau lắm ai ngờ mới nói nửa câu chuyện với bác sỹ mà họ đã lấy xong rồi. Thế là cứ đều đặn 3 tháng một lần, bà lại tham gia, có lần bà đưa cả hai đứa con, ba người em gái và mấy đứa cháu cùng đi.
"Muốn vận động người khác thì trước tiên phải vận động được người nhà mình đã, mình mà không làm thì nói ai nghe", bà cười bảo.
Không đao to búa lớn, hàng ngày, bà Hằng đến các quán nước gần nhà, kể những câu chuyện vui về hiến máu cho mọi người nghe, sau đó thuyết phục họ đi hiến. Rồi bà đến từng nhà tỉ tê tâm sự, giúp người dân hiểu rõ tác dụng của việc nhân đạo này. Nhiều lần bà lấy chính mình ra làm ví dụ "Như cô đây này, già rồi mà vẫn cho máu được, hiến máu rồi còn khỏe mạnh ra đây, các cháu còn trẻ thì sợ gì" hay "Hiến máu cũng là cách để mình thay máu, làm cho máu của mình trẻ ra, khỏe hơn"...
Con gái bà Hằng cho biết: "Mẹ mình đam mê tuyên truyền lắm. Có hôm đến giờ ăn cơm, đợi mãi vẫn không thấy mẹ về. Cả nhà gọi điện nhưng máy không liên lạc được. 20h, vừa đến nhà bà đã cười rạng rỡ thông báo thuyết phục được ba người đăng kí hiến máu. Thấy bà vui như Tết thế nên cả gia đình tôi ai cũng ủng hộ, có khi còn cùng bà đi tuyên truyền nữa".
Chỉ vào đống quà tặng dành cho người hiến máu ở góc nhà, bà nói buồn: "Đấy là quà của các cháu thanh niên trong xóm nhận được khi đi hiến máu đấy. Chúng không dám mang về nhà vì sợ bố mẹ mắng. Thiết nghĩ, việc tuyên truyền hiến máu nhân đạo hãy bắt đầu từ hội phụ nữ, hội cựu chiến binh. Các ông bố, bà mẹ hiểu được tầm quan trọng của việc này thì họ sẽ vận động con cái mình tham gia. Tránh tình trạng nhiều cháu hiện nay phải đi giấu bố mẹ".
Để đảm bảo sức khỏe cho người bệnh, Viện huyết học quy định trên 55 tuổi là hết tuổi hiến máu. Khi đã 56 tuổi, thấy mình vẫn còn khỏe mạnh, bà Hằng đến điểm hiến máu để đăng kí. Nhưng dù chuyển sang nhiều bàn khác, các bác sỹ vẫn phát hiện ra vì bắt trình chứng minh thư. Bà tức mình đòi "kiện" các bác sĩ vì "tôi khỏe mạnh tại sao không cho hiến máu". "Kiện" không được, bà chạy về nhà bảo con gái "Để mẹ nấu cơm cho, con ra điểm hiến máu đi. Thêm được đơn vị máu nào thì tốt đơn vị ấy".
Từng vạ vật chăm con ở bệnh viện, tận mắt chứng kiến những mảnh đời nghèo khổ không có tiền chạy chữa, cô Nguyễn Thị Kim Hoa, 46 tuổi, ở tổ 19, phường Bồ Đề, Gia Lâm, Hà Nội luôn mong muốn làm được điều gì để giúp đỡ họ.
Cô Nguyễn Thị Kim Hoa. Ảnh: Hoàng Thùy |
Sau lần ấy, cô về vận động bạn bè, anh em, hàng xóm cùng đi hiến máu. 3 tháng sau, có gần chục người đồng ý san sẻ giọt máu của mình với người bệnh, cô đã thuê xe taxi để chở mọi người đi. Cô cười: "Ngày xưa mình đen, hơi gầy, vậy mà sau khi đi hiến máu lại thấy trắng, béo ra". Thế nên khi đi vận động, cô đều lấy bản thân ra để nói về tác dụng của việc hiến máu.
Nhà có ba mẹ con thì cả ba đều tích cực hiến máu. Bạn bè, hàng xóm còn phục cô Hoa bởi cô thuyết phục được chàng rể tương lai tham gia. "Người giàu có thể bỏ ra hàng triệu, chục triệu để giúp người nghèo. Tôi không có tiền thì giúp đỡ họ bằng những giọt máu của mình", cô nói.
Mỗi lần hiến máu người hiến sẽ được giữ một giấy chứng nhận để sau này nếu không may họ cần tiếp máu thì bệnh viện sẽ hoàn trả lại đúng số máu đã hiến. Có cả thảy gần 15 giấy chứng nhận nhưng giờ chỉ còn 7. Cô Kim Hoa cười kể: "Bố của bạn con gái có bệnh cần tiếp máu, gia đình họ hoàn cảnh nên nó đã xin mấy cái cho bạn rồi".
Mới đây, cô Hoa đã nhận được giấy khen và quà kỷ niệm của Ủy ban nhân dân quận Long Biên về thành tích xuất sắc trong công tác vận động và hiến máu nhân đạo ở phường.
Bùi Thị Anh Vân, cô sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội mới 20 tuổi nhưng đã có 5 lần hiến máu và là một tuyên truyền viên năng động.
Bùi Thị Anh Vân (áo đỏ) trong những buổi đi vận động hiến máu.. Ảnh: Hoàng Thùy |
Cũng từ đó, cô vừa là người tình nguyện hiến máu vừa tham gia vận động mọi người. Sáng cô cùng các bạn lân la đến các ký túc xá, giảng đường, điểm chờ xe buýt đi tuyên truyền, chiều lại cắp sách lên giảng đường.
Không ít lần Vân thấy nản lòng khi gặp phải những người không thiện cảm. Có một bạn trong nhóm Vân từng khóc nức nở vì bị một người nói "bạn cũng chỉ như một tiếp thị cao cấp không hơn không kém".
"Có những người ác miệng còn gọi chúng mình là ‘những con muỗi hút máu người’. Mới đầu nghe thấy sốc ghê lắm, nhưng làm lâu mình cũng trở nên cứng rắn hơn, không dễ mít ướt nữa mà kiên trì giải thích cho họ nghe, rằng hiến máu là cứu người chứ không phải tiếp thị. Hơn nữa, hiến máu giúp bạn biết mình thuộc nhóm máu nào, có bệnh hay không và làm ‘trẻ máu’. Mình là con gái nhưng cũng kiên trì ‘đeo bám’ lắm", Vân cười nói.
Vân luôn tâm niệm, để người khác làm theo thì trước hết mình phải làm gương đầu tiên. Bỏ qua những xầm xì bên tai nào là "con gái yếu, hiến máu không chịu nổi đâu", "có người sau khi nhìn thấy bịch máu to bự thì ngất xỉu luôn"..., cô vẫn đăng ký. Lần đầu tiên, cô còn không dám nói với bố mẹ vì sợ bị mắng.
"Nhưng không thể giấu mãi, lúc nói ra mình run lắm, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nghe mẹ bảo ‘Tao nuôi mày bao nhiêu năm để bây giờ mày đi cho máu người ta à’, lại càng run. Dù vậy, vẫn cố chứng minh cho cha mẹ thấy mình hiến máu xong còn khoẻ hơn", Vân kể lại.
Khi hiểu về công việc của cô hơn, cha mẹ không những không phản đối mà còn rất ủng hộ. Coi việc đi tuyên truyền như là một hoạt động giải trí, Anh Vân rất biết cân bằng giữa việc "chơi" và học. Vì thế kết quả học tập của cô luôn đứng trong tốp đầu của lớp.
Hoàng Thuỳ