Quãng đường khoảng 200 km, mất khoảng 3 tiếng di chuyển. Đặt chân tới nơi, cô gái 27 tuổi quê Thiệu Hưng đã thấy rất đông khách chờ thực hiện giao dịch. Nhiều người trong số này từ các thành phố khác tới để gửi tiền.
Vợ chồng Xiang Linran, 28 tuổi, làm trong lĩnh vực tư nhân, cũng lái xe từ Thái Châu, Giang Tô tới Thượng Hải hôm 12/5 với mục đích này.
"Sáng sớm hôm sau chúng tôi tới, đã thấy nhiều người xếp hàng, chủ yếu là thanh niên. Sau đó, khi ngân hàng mở cửa, một số thanh niên khác cũng đến. Hỏi thăm mới biết họ cũng là người ngoài thành phố", cô chia sẻ.
Cuối tháng 4, một phụ nữ khoảng 20 tuổi họ Xu và bạn thân nhất cũng khởi hành từ Tô Châu, Giang Tô lúc 6 giờ sáng. Họ bắt tàu cao tốc, tàu điện ngầm và xe buýt, đến một ngân hàng ở Thượng Hải lúc 9h30. Tuy nhiên, khi đến nơi Xu đã bị sốc bởi ít nhất 50 người đang xếp hàng chờ đợi.
Trên nền tảng Weibo, chủ đề "đi hàng trăm km gửi tiền mong lãi suất cao" thu hút cộng đồng mạng. "Thoạt nhìn lãi suất có thể không chênh lệch nhiều, nhưng theo thời gian, nó có thể tích lũy đáng kể", "Khi tiền kiếm được dễ dàng, sẽ không ai quan tâm đến sự gia tăng lãi suất lặt vặt này, nhưng khi khó khăn, tiết kiệm cũng quan trọng như kiếm tiền", một số người nói.
Nhà nghiên cứu Dong Ximiao, chuyên gia của một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ tín dụng Mucfc.com giải thích, thứ nhất lãi suất huy động có thể khác nhau ở các khu vực khác nhau. Thứ hai, cung và cầu trên thị trường tiền gửi khác nhau giữa các khu vực, ảnh hưởng đến lãi suất tiền gửi dựa trên sở thích đầu tư và thói quen tiết kiệm của khách hàng. Cuối cùng, các chi nhánh khác nhau của cùng một ngân hàng có thể có tiềm lực và các chiến lược cạnh tranh khác nhau, do đó nhu cầu và lãi suất tiền gửi không thống nhất.
Cô Hai cho biết đi gửi 100.000 tệ trong 3 năm, sẽ được lãi 9.000 tệ (khoảng 30 triệu đồng) tại Thiệu Hưng, trong khi nếu đến Thượng Hải sẽ được 10.650 tệ (35 triệu đồng). "Mặc dù số lãi không lớn nhưng đã gửi tiết kiệm thì ai cũng mong được nhiều nhất", Hai chia sẻ.
Xu hướng gửi tiền khắp các thành phố có liên quan mật thiết đến việc lãi suất giảm liên tục tại các ngân hàng Trung Quốc kể từ nửa cuối năm ngoái. Gần đây, các ngân hàng lớn lại một lần nữa chứng kiến làn sóng cắt giảm lãi suất. Hôm 8/6, 6 ngân hàng quốc doanh lớn cùng nhau tuyên bố giảm lãi tiền gửi.
Một số ý kiến cho rằng việc hạ lãi suất tiền gửi có thể khuyến khích người tiêu dùng tiêu tiền thay vì tiết kiệm, từ đó thúc đẩy nền kinh tế.
Cô Hai cho biết tâm lý của những người trẻ tuổi đã thay đổi sau ba năm xảy ra đại dịch, sa thải và thất nghiệp. "Rõ ràng ngày càng có nhiều người trẻ xung quanh chúng ta bắt đầu kiếm tiền và tiết kiệm, chuyển từ các nhãn hiệu mỹ phẩm sang trọng sang những nhãn hiệu giá cả phải chăng hơn và mua sắm trên Pinduoduo thay vì Taobao", cô nói.
Giáo sư kinh tế Chen Zhiwu Trường Kinh doanh và Kinh tế thuộc Đại học Hong Kong cho biết niềm tin của các cá nhân và doanh nghiệp ở Trung Quốc đã giảm trong năm qua, đồng thời lưu ý rằng khi cảm thấy không chắc chắn về tương lai, phản ứng đầu tiên là tiết kiệm.
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc trì trệ và thị trường việc làm ảm đạm, những người trẻ tuổi lo lắng về tương lai. Một mặt, họ muốn tiền tăng lên, mặt khác họ lo lắng về việc bỏ tiền vào các nền tảng mang lại lợi nhuận cao nhưng rủi ro cũng cao. Làn sóng bê bối cho vay trực tuyến cách đây vài năm, cũng như sự tháo chạy của các ngân hàng nông thôn ở Hà Nam mùa hè năm ngoái, đã khiến nhiều người bị mất tiền và làm gia tăng những lo ngại này.
Việc băng qua các thành phố để được lãi cao hơn, đồng nghĩa họ có thêm thu nhập. Đối với những người trẻ này, đây có thể là một lựa chọn an toàn do bất lực.
Bảo Nhiên (Theo Thinkchina)