Đêm 14/6, Nie gần như suy sụp về tinh thần và thể chất. Người đàn ông 32 tuổi đứng bên ngoài trụ sở của Ủy ban điều tiết bảo hiểm và ngân hàng Hà Nam suốt bốn ngày dù sức lực ngày càng cạn.
Nie là một trong hàng nghìn người vướng vào những vụ bê bối ngân hàng tồi tệ nhất Trung Quốc nhiều năm qua. Hồi tháng 4, bốn ngân hàng nông thôn ở Hà Nam bất ngờ đóng băng tài khoản khách hàng không cảnh báo trước.
Sau nhiều tuần chờ đợi, người gửi vẫn không biết khi nào, hoặc nếu có thì bao giờ được lấy lại tiền. Tuyệt vọng, họ đến Trịnh Châu, thủ phủ Hà Nam kêu gọi chính quyền can thiệp. Gia đình Nie cũng tham gia vào hành trình đó.
Bên ngoài văn phòng cơ quan quản lý, Nie nhiều lần bị ép rời đi.
Nửa đêm, cảnh sát rời đi, vợ và cha mẹ Nie đưa con nhỏ đến khách sạn ngủ, nhưng anh thì không. Ngay khi đến Trịnh Châu, mã sức khỏe của Nie đã chuyển sang màu đỏ. Ban đầu, mã sức khỏe, một hệ thống mã QR được mã hóa bằng màu sắc dùng theo dõi, truy vết người nhiễm Covid. Nhưng giờ, hệ thống đang kiểm soát chuyển động của người gửi tiền. Ai có mã đỏ đều bị cấm vào các tòa nhà công cộng, gồm cả văn phòng, khách sạn và khu chung cư.
Nie phải đi bộ xuống phố tìm xe của người thân, ngủ ở đó bốn đêm. Anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chờ đợi bởi nếu không lấy lại được tiền tiết kiệm, gia đình anh sẽ phải gánh hậu quả thảm khốc.
Nie đã đích thân mở tài khoản tại một trong các ngân hàng sau khi đến thăm người thân ở Khai Phong, Hà Nam, vào đầu năm 2020. "Tôi bị thu hút vì lãi suất cao, có thể rút lãi hàng tháng", anh kể.
Anh làm tại một nhà máy ở miền nam, lương 4.000 tệ một tháng. Lúc bình thường anh cũng chật vật nuôi sống gia đình. Những tháng gần đây, cha mẹ anh lại lần lượt đột quỵ và gặp các vấn đề về tim mạch. Chỉ riêng tiền thuốc đã tiêu tốn của Nie nửa tháng lương.
Đến tháng 4, anh phải dùng 200.000 tệ trong tài khoản tiết kiệm nhưng tài khoản bị đóng băng khiến Nie khổ sở để tồn tại. Anh cho biết, nếu không tìm ra giải pháp trong vòng ba tháng, anh không thể chăm sóc sức khỏe cha mẹ già.
Cuộc đấu tranh của Nie và những người gửi tiền khác gây chấn động Trung Quốc những tuần gần đây. Bốn ngân hàng nông nghiệp ở Hà Nam, cũng như một ngân hàng ở tỉnh An Huy, bắt đầu ngăn cản khách hàng rút tiền từ giữa tháng 4. Theo báo cáo của một công ty công nghệ có trụ sở tại Bắc Kinh, điều hành hệ thống ngân hàng trực tuyến của 5 ngân hàng, hàng trăm nghìn tài khoản và hàng chục tỷ nhân dân tệ đã bị đóng băng.
Nhiều người trong số nạn nhân, giống như Nie, là những công nhân bình thường đã gửi phần lớn tiền tiết kiệm của gia đình vào ngân hàng.
Zhou Yun, một người gửi tiền ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc đã phải vay hơn 200.000 tệ từ bạn bè và người thân để trả tiền chữa bệnh khẩn cấp cho bố mẹ già và bố mẹ chồng.
Ngay từ tháng 4, Zhou đã chứng kiến những người gửi tiền khác có hành động cực đoan. Trong lần đến một chi nhánh của ngân hàng Khai Phong, cô gặp một phụ nữ nó đã chờ ở ngân hàng nhiều ngày. Người này đe dọa sẽ tự sát nếu không được trả lại tiền và sau đó cố gắng nhảy xuống từ lan can tầng hai, nhưng bị một số người đi đường kéo lại.
Trung Quốc đã thành lập quỹ bảo hiểm vào năm 2015 để bảo vệ những người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng bị phá sản. Tất cả những người gửi tiền sẽ nhận được tới 500.000 tệ nếu bất kỳ ngân hàng nào nằm trong chương trình này phá sản. Tính đến năm 2021, nó đã bao phủ hơn 4.000 ngân hàng Trung Quốc, bao gồm tất cả năm ngân hàng nói trên.
Chen Haohuan, giám đốc dịch vụ khách hàng của ngân hàng ở Chiết Giang cho hay, các cuộc khủng hoảng ngân hàng do tội phạm nội gián gây ra không hiếm, nhưng trong những trường hợp như vậy, người gửi tiền luôn có quyền truy cập miễn phí vào tài khoản của mình.
Tuy nhiên, lần này, các nhà chức trách không có sự đảm bảo nào. Thay vào đó, một sự im lặng kỳ lạ bao trùm. Tài khoản của người gửi tiền vẫn bị khóa trong khi nhà chức trách Hà Nam không đưa ra bất kỳ thông báo nào về vụ việc trong hai tháng.
Khi những người gửi tiền quay lại biểu tình lần thứ hai vào ngày 13/6, các nhà chức trách đã chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả mã sức khỏe của những người gửi tiền ở Trịnh Châu đều chuyển sang màu đỏ. Những người lái xe đến thành phố bị chặn lại tại các trạm thu phí, buộc phải quay đầu. Những người đi bằng tàu hỏa bị giữ khi đến ga Trịnh Châu.
Nie đến sớm vài ngày, là một trong số rất ít người đến được nơi cần đến. "Tôi dẫn cả người già và trẻ em đi cùng nên họ không làm gì tôi", Nie kể.
Năm quan chức ở Trịnh Châu sau đó bị phạt vì can thiệp vào mã số sức khỏe của người gửi tiền, dưới áp lực đưa tin rộng rãi của truyền thông. Sau vụ việc, cơ quan quản lý ngân hàng Hà Nam và Hứa Xương đều công bố thông tin về vụ việc lần đầu, sau nhiều tuần điều tra, vào ngày 18/6. Tuy nhiên, liệu tiền của người gửi được bảo vệ hay không và khi nào họ được truy cập vào tài khoản vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Vào cuối tháng 6, khoảng 80 nhân viên và giám đốc điều hành tại các ngân hàng nông thôn ở Hà Nam bị bắt giữ. Một số người trong hệ thống quản lý ngân hàng cũng đang bị điều tra.
"Các khoản thanh toán tạm ứng" được thực hiện. Ngày 15/7, những người gửi tiền có ít hơn 50.000 tệ trong tài khoản đã nhận được tiền. Mười ngày sau, hầu hết những người có 50.000 tệ -100.000 tệ trong ngân hàng cũng nhận được thanh toán. Một số người gửi tiền ở tỉnh Hà Nam cũng có thể lấy lại tiền.
Vào tối ngày 29/7, Ủy ban Quản lý ngân hàng và bảo hiểm Hà Nam thông báo đợt thanh toán trước thứ ba sẽ được thực hiện cho những người đã gửi từ 100.000 tệ-150.000 ở năm ngân hàng. Theo Nie khoảng 200 người mở tài khoản ở Khai Phong tham gia cuộc biểu tình vào ngày 10/7 đã nhận được tiền.
Tuy nhiên, anh sẽ vẫn tiếp tục kêu oan để đòi đủ số tiền đã mất. "Nếu tôi không đi, sẽ không có hy vọng. Càng nhiều người tham gia, tiếng nói của chúng tôi càng được lắng nghe", anh nói và cho biết những ngày đến Trịnh Châu đã làm gia tăng căng thẳng tài chính của mình.
Nhật Minh (Theo Sixthone)