Ông Lam là đồng chủ biên Báo cáo Kinh tế thường niên đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long, dài 350 trang, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trường chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện, công bố mới đây.
- Ông đánh giá như thế nào khi Đồng bằng sông Cửu Long được xem vùng đất trù phú nhưng 10 năm qua có hơn 1,3 triệu người di cư?
- Vùng đất miền Tây được thiên nhiên ưu đãi, ôn hòa, điều kiện sinh sống rất tốt. Dân số miền Tây chiếm gần 20% cả nước và có mật độ cao nhất so với các vùng trên toàn quốc. Thời gian dài, cư dân miền Tây sống ổn định theo tập tính, tập quán... Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước miền Tây đóng góp xuất khẩu lớn nhất cho cả nước. Thời điểm này miền Tây góp 28% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước, sau đó giảm dần, hiện còn khoảng 18-19%.
Tuy nhiên khoảng hai thập niên gần đây, miền Tây phát triển chậm dần. Minh chứng GDP của TP HCM đầu thập niên 90 của thế kỷ trước chỉ bằng 2/3 so với miền Tây nhưng 20 năm sau tỷ lệ này hoàn toàn đảo ngược và duy trì cho đến hôm nay. Tương quan phát triển thay đổi như thế khiến người dân có sự so sánh. Giai đoạn 2009-2019, toàn vùng ghi nhận hơn 1,3 triệu dân di cư và là nơi có tỷ lệ xuất cư cao nhất nước. 10 năm qua, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0%, so với cả nước 1,14%. Thậm chí 2 năm qua dân số của vùng giảm 0,3%.
Tỉnh An Giang có lượng dân rời đi cao nhất với khoảng 400.000 người, kế đến Cà Mau hơn 200.000 người... Số người di cư ở Cần Thơ và Long An thấp vì nơi đây đô thị hoá khá tốt và có nhiều khu công nghiệp... Phần lớn người di cư từ khu vực nông thôn, trong độ tuổi lao động vì thiếu việc làm. Ngoài ra cũng có nhiều người có việc làm nhưng thu nhập thấp nên đến nơi khác có điều kiện tốt hơn như TP HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ.
- Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng người miền Tây di dân nhiều theo ông?
- Hạ tầng cơ sở, nhất là giao thông, cảng biển, dịch vụ logistics... ở miền Tây yếu kém khiến chi phí sản xuất ở đây gia tăng. Điều này khiến vùng ít thu hút đầu tư nước ngoài, chỉ chiếm 5-6% cả nước. Doanh nghiệp ở nơi khác cũng ít đầu tư vào miền Tây. Trong khi đó các doanh nghiệp trong vùng, chủ yếu thuộc ngành gạo và thủy sản, vốn đã ít lại phát triển tới ngưỡng nên hạn chế mở rộng. Từ đó miền Tây không tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Một vấn đề nữa, ở những nơi đô thị hóa tốt, đáp ứng nhu cầu sinh sống, việc làm sẽ thu hút nhiều người dân. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa ở miền Tây lại thấp nhất cả nước khi 10 năm chỉ tăng nhẹ từ gần 23% lên 25%, trong khi cả nước tăng từ gần 30% lên hơn 34%. Kết quả là khoảng cách về dân số đô thị của Đồng bằng sông Cửu Long so với cả nước ngày một cách xa.
Người dân miền Tây di dân nhiều còn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nặng nề, nhất là ở khu vực nông thôn. Vừa qua hàng loạt diện tích lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản nước ngọt thiệt hại nặng do bị hạn mặn, phải treo ao hoặc bỏ trống... Tình trạng này lặp lại một vài lần coi như nông dân trắng tay, phải bỏ xứ đi nơi khác làm công nhân kiếm sống.
- Việc di dân ồ ạt của người miền Tây như 10 năm qua sẽ tạo ra hệ lụy gì?
- Tôi nghĩ không ai muốn bỏ quê hương, xứ sở ra đi nhưng tình huống bắt buộc vì mưu sinh. Di dân cũng có ý nghĩa tích cực để phục vụ phát triển. Tuy nhiên việc người dân miền Tây rời đi quá nhiều trong thời gian nhất định cho thấy đây là tình trạng bức bách và vùng đất này kém phát triển.
Về lâu dài nếu không có hướng giải quyết hiệu quả di dân ở miền Tây, xã hội sẽ bất ổn. Nhiều gia đình ở vùng nông thôn hiện chỉ còn người già và trẻ em. Do cha mẹ lên Sài Gòn, các tỉnh Đông Nam Bộ mưu sinh nên nhiều đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc và quản lý. Nguy cơ những đứa trẻ này bỏ học, hư hỏng hoặc không được đào tạo tới nơi tới chốn rất cao, sau này không đóng góp nhiều cho xã hội. Thực tế, tỷ lệ học sinh bỏ học từ cấp 2 ở miền Tây đến 25%, đa số ở vùng nông thôn.
Sau thời gian những người di dân sẽ quay về vì lớn tuổi, không có được công việc sẽ làm áp lực và gánh nặng hơn cho miền Tây. Trong khi đó những người có trình độ, được đào tạo, khả năng làm việc tốt ở lại các vùng miền khác phát triển hơn khiến miền Tây mất nguồn lao động chất lượng cao...
- Ông đề xuất những giải pháp gì hạn chế tình trạng di dân ở miền Tây?
- Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp phải nút thắt về kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đang cản trở quá trình phát triển. Vì vậy thay vì mỗi tỉnh xin Trung ương đầu tư từng dự án riêng lẻ thì nên đồng lòng kiến nghị xây dựng hệ thống giao thông có thể kết nối vùng và kết nối với Đông Nam Bộ. Trục đường cao tốc TP HCM nối với Cà Mau phải được ưu tiên hàng đầu của toàn vùng trong thời gian tới.
Về giáo dục, Đồng bằng sông Cửu Long tìm cách tháo gỡ nút thắt vùng trũng của cả nước bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tình trạng các gia đình cho con cái bỏ học sớm từ THCS và THPT... Các địa phương nên chú trọng việc khởi nghiệp để tạo thêm việc làm cho người lao động. Hiện miền Tây có nhiều trường dạy nghề nhưng khó chiêu sinh do người được đào tạo không tìm được việc.
Những yếu kém về hạ tầng giao thông, kinh tế, giáo dục, biến đổi khí hậu... là thách thức chung của toàn vùng chứ không chỉ một địa phương nào. Vì vậy các tỉnh miền Tây cần có một cơ chế điều phối vùng đem lại hiệu quả cao. Cụ thể cần có một cấp chính quyền vùng (dưới cấp quốc gia nhưng trên cấp tỉnh), có quyền lực tài khóa, quy hoạch và nhân sự để theo đuổi lợi ích chung cho toàn vùng chứ không phải một địa phương.
Huy Phong