Do công việc bận rộn, Thùy Linh (23 tuổi, quận 4) thường ăn uống ở ngoài cùng bạn bè, hiếm khi vào bếp. Tuy nhiên từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP HCM, làm việc ở nhà toàn thời gian khiến cô có dịp trổ tài nội trợ, trữ đầy thực phẩm trong tủ nhờ đi chợ online.
Từ trước khi TP HCM ban hành chỉ thị 16, Thùy Linh đã chọn cách đi chợ trên cách sàn thương mại điện tử vì quá quen với việc mua sắm online từ trước. Mỗi ngày Linh đều lên sẵn thực đơn, liệt kê những nguyên liệu cần mua ra giấy. Đợi đến 0h, khung giờ thường có flashsale trên các sàn thương mại điện tử, cô đặt mua những món cần thiết, vừa miễn phí giao hàng, vừa có giá ưu đãi.
"Mua sắm online thành sở thích và thói quen của tôi những năm gần đây nên việc đi chợ online không có gì mới lạ. Trước đó không có thời gian đi chợ, siêu thị, giờ chỉ cần ngồi nhà là được giao tận nơi. Tôi còn có cơ hội làm những món ăn trước giờ muốn thử nhưng chưa làm được vì bận rộn", Thùy Linh chia sẻ.
Từ 0h ngày 9/7, các hàng quán bán đồ ăn vặt Linh thường đặt đều ngừng giao hàng. Cô chọn cách đặt nguyên liệu và thử làm những món yêu thích như bánh tráng trộn, bánh tráng nướng, trà sữa, gỏi, đồ kho chay, sandwich... Nhờ làm việc tại nhà, tự nấu ăn, Linh dễ kiểm soát nguyên liệu, lượng calo, kết hợp tập luyện thể dục khi rảnh rỗi, giúp cơ thể khỏe mạnh và vóc dáng cân đối hơn. Thùy Linh cho biết dù sau giãn cách xã hội, cô vẫn tiếp tục thói quen đi chợ online này.
Khác với Thùy Linh, gia đình Hoàng Minh (28 tuổi, Gò Vấp) gặp không ít khó khăn vì giãn cách xã hội. Bất ngờ khi sáng mở cửa đi chợ đã thấy đầu hẻm bị giăng dây phong tỏa, bà Lâm, mẹ Minh, lo lắng không biết những ngày kế tiếp cả nhà phải ăn uống ra sao.
Nhà gần với điểm dịch Hội thánh Truyền giáo Phục hưng, cả Minh và mẹ phần sợ nhiễm bệnh, phần lo đói nên đành chuyển hướng sang mua thực phẩm online, nhờ shipper giao đến hàng rào chốt chặn ở đầu ngõ. Bà Lâm ban đầu phản đối vì sợ mua hàng online "tiền mất, tật mang". Qua nhiều lần Minh thuyết phục, bà đành để con trai đặt hàng thay một số nông sản như cà rốt, su hào, đồ hộp... Nhận hàng còn tươi, ngon, chỉ sau vài giờ đặt hàng, bà Lâm dần tin tưởng hơn.
Sau do Minh bận việc, không thể đặt giúp mẹ từng món, bà Lâm nhờ con hướng dẫn cách đặt hàng qua app. Thoạt đầu chưa quen, bà chật vật vì không biết đặt sao mới miễn phí giao hàng, làm sao để mua được đồ giá tốt. Nhắn tin vào nhóm nội trợ trong xóm, bà Lâm biết nhiều gia đình cũng gặp tình trạng tương tự, thiếu thực phẩm do phong tỏa đột ngột. Họ cũng chuyển sang đặt thực phẩm online, giải quyết tạm thời tình trạng lúc này. Thêm vào đó, các lực lượng chức năng cũng hỗ trợ nhiệt tình, cung cấp lương thực và giúp vận chuyển, đảm bảo hàng đặt trực tuyến khử khuẩn đầy đủ.
Các hộ gia đình giúp đỡ, hỗ trợ nhau, sau một thời gian bà Lâm đã quen với cách dùng app đặt hàng. Bà cũng học được cách áp mã giảm giá, miễn phí vận chuyển, giúp việc đi chợ online nhanh chóng và tiết kiệm hơn nhiều. Trong đợt giãn cách xã hội toàn thành phố ngày 9/7, bà Lâm cho biết vẫn duy trì phương thức đi chợ mới này. Dù vẫn thích đến tận nơi, lựa rau củ, thịt, cá, nhưng trong thời dịch thì đành "sống chung với lũ". Bà cũng nhận định phương thức mới này khá tiện lợi, sẽ tiếp tục đi chợ trực tuyến trong tương lai khi mọi thứ trở lại bình thường.
Thùy Linh và gia đình bà Lâm, Hoàng Minh là hai trong số nhiều gia đình tại TP HCM buộc phải thay đổi thói quen sống hàng ngày do ảnh hưởng dịch bệnh. Không riêng gì tâm dịch Sài Gòn, nhiều tỉnh thành khác cũng gặp không ít trở ngại, buộc họ phải thay đổi nếp sống thường nhật, thích nghi dần với tình trạng hạn chế đi lại, sinh hoạt tại gia, phòng chống dịch bệnh.
Không riêng gì gia đình Việt, người nước ngoài sinh sống, làm việc tại TP HCM cũng có những trải nghiệm thú vị khi chuyển hướng sang mua sắm online thời dịch. Mandy và Clary (quận 2, TP HCM) là người nước ngoài ở Việt Nam đã hai năm. Họ cảm thấy may mắn vì khi các quốc gia Âu - Mỹ chật vật vì số ca nhiễm tăng cao thì mọi thứ vẫn diễn ra bình thường tại nơi họ sinh sống.
Tuy nhiên trong vòng hai tháng trở lại đây, cả hai đều phải tạm dừng công việc gia sư tại một trung tâm dạy tiếng Anh ở quận 1. Hạn chế đi lại và nghỉ việc tạm thời khiến chi tiêu eo hẹp, khó khăn nhiều mặt. Quen với việc đặt đồ ăn giao tận nơi, giờ đây hai người phải chuyển sang mua nguyên liệu, thực phẩm về tự nấu ăn do chỉ thị 16. Mandy chọn cách lên sàn thương mại điện tử mua thực phẩm vì giao diện tiếng Anh, dễ sử dụng, lại nhiều mã giảm giá, miễn phí vận chuyển...
"Các nhân viên hỗ trợ của sàn cũng rất nhiệt tình. Ban đầu chúng tôi có gặp chút trục trặc về địa chỉ giao nhận hàng và các loại mã giảm giá nhưng họ đã hỗ trợ, tư vấn bằng tiếng Anh và rất hữu ích. Từ ngày nấu ăn tại nhà, chúng tôi tiết kiệm được kha khá khoản chi, cả về ăn uống lẫn đi lại. Tuy nhiên việc bị cắt mất nguồn thu nhập cũng mang đến không ít khó khăn. Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát để mọi thứ trở lại bình thường, chúng tôi cũng có thể đi làm trở lại", Clary chia sẻ.
Dịch bệnh và các lệnh giãn cách xã hội, nhiều khu vực phong tỏa đã khiến người dân TP HCM nói riêng và cả nước nói chung buộc phải thay đổi thói quen sinh hoạt và tiêu dùng, thích nghi và làm quen với những hình thức mới, phù hợp hơn, thuận tiện hơn. Với người đã có sẵn kiến thức, quen sử dụng thiết bị công nghệ, ứng dụng, việc mua sắm online không quá khó khăn, ngược lại còn thuận tiện, tiết kiệm thời gian, tiền bạc. Song với những người chưa từng sử dụng hoặc lần đầu tiếp xúc, dễ gặp khó khăn, trở ngại.
Tuy nhiên không thể phủ nhận phương thức đi chợ online, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử nói chung có thể xem là phương thức phù hợp nhất hiện tại với người dân. Không chỉ hạn chế tiếp xúc, không cần ra ngoài, ở yên tại chỗ mà vẫn nhận nguồn cung thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tận nơi. Đây được dự đoán sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát và mọi thứ quay trở lại bình thường, song song với các kênh mua sắm truyền thống.
Thái Nghiên