Để cụ thể hóa Luật thủ đô, tại kỳ họp thứ 7 HĐND sẽ quyết định danh mục phố cổ, làng nghề, biệt thự cũ và các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần được bảo tồn, phát huy giá trị. Theo đó, 10 công trình được UBND thành phố đề xuất là Phủ chủ tịch, Nhà khách Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Tòa án nhân dân, Nhà hát lớn, Bệnh viện K, Bảo tàng lịch sử, trường Chu Văn An, ĐH Tổng hợp, bốt Hàng Đậu. Các công trình này sẽ được bảo tồn từ nguồn ngân sách cấp hàng năm.
Hà Nội cũng xác định 18 phố cổ, 157 biệt thự cũ, làng cổ Đường Lâm, 5 làng nghề tiêu biểu là lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh, thêu ren Quất Động, mỹ nghệ Sơn Đồng... thuộc danh mục di sản cần bảo tồn, phát huy giá trị.

Cũng để triển khai Luật thủ đô, UBND Hà Nội đề xuất các chính sách đặc thù, ưu đãi khi cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội và các công trình văn hóa... Với chính sách cải tạo chung cư cũ, thành phố khuyến khích chủ đầu tư và các chủ sở hữu căn hộ thoả thuận thực hiện dự án bằng phương thức hợp tác kinh doanh trên cơ sở chủ sở hữu góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ và hưởng lợi nhuận theo quy định của pháp luật. Thành phố cũng cho phép đầu tư theo hình thức BT đối với các dự án do ngân sách đầu tư.
Riêng nhà chung cư tại 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) sẽ không theo phương thức xã hội hoá mà thành phố tổ chức thực hiện và xây dựng các dự án phát triển khu nhà ở mới không thuộc khu vực nội đô lịch sử để di chuyển các hộ dân. Người dân sống trong chung cư cũ sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc định cư trong khu vực nội thành. Nếu không có nhu cầu mua nhà tái định cư tại chỗ thì được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các dự án trên địa bàn.
Để đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng, Hà Nội dự kiến áp dụng nhiều biện pháp giải phóng mặt bằng, như: nâng mức thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng đối với chủ sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân cao nhất là 30 triệu đồng. |
Đặc biệt, để thu hút nhân tài đóng góp cho sự phát triển của thủ đô, Hà Nội đưa ra cơ chế ưu đãi đối với thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các cơ sở đào tạo đại học ngành, chuyên ngành mà thành phố đang có nhu cầu; các tiến sĩ có công trình, đề án khoa học và chuyên ngành đào tạo đáp ứng chương trình phát triển kinh tế - xã hội của thủ đô; giáo viên, giảng viên có thành tích huấn luyện học sinh, sinh viên đạt giải nhất, nhì trong kỳ thi học sinh giỏi; chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, nghệ nhân....
Theo đó, những nhân tài sẽ được tiếp nhận hoặc xét đặc cách không qua thi tuyển, được hưởng hỗ trợ đãi ngộ một lần bằng 20 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm được tuyển dụng. Sau 2 năm công tác, những người này sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ phương tiện đi lại, phương tiện làm việc, nghiên cứu... Người được hỗ trợ phải cam kết làm việc tại các cơ quan, đơn vị TP Hà Nội ít nhất 7 năm.
Cũng liên quan đến Luật thủ đô, HĐND Hà Nội sẽ xem xét các tiêu chí cấp danh hiệu công dân danh dự của thủ đô, cơ chế tài chính cho giáo dục công lập, chính sách phát triển vận tải công cộng...
Theo Chủ tịch HĐND Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh, kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa quan trọng với khối lượng công việc lớn. Bà kêu gọi các đại biểu phát huy trí tuệ, tập trung nghiên cứu để đóng góp ý kiến cho các chính sách phát triển thủ đô.
Đoàn Loan