Hong Kong có thể không phải nơi đầu tiên du học sinh nghĩ đến khi muốn theo đuổi bậc đại học, song Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong (HKUST) lại là cái nôi đào tạo tri thức dần được sinh viên Việt quan tâm, lựa chọn. Theo đại diện trường, hiện có 24 sinh viên đại học và 27 sinh viên ưu tú sau đại học từ Việt Nam đến ghi danh ngôi trường này.

Khuôn viên bên bờ biển thơ mộng của HKUST.
Trường thành lập năm 1991, từng đứng thứ 34 trên Bảng xếp hạng Đại học Thế giới (QS World University Ranking năm 2022) - sánh ngang với Đại học California (Berkeley) ở vị trí 32 hay "vượt" cả Đại học Melbourne ở hạng 37.
HKUST còn cung cấp chương trình học bổng hấp dẫn dành cho sinh viên ưu tú khắp thế giới. Gói học bổng toàn diện, miễn toàn bộ hoặc một phần học phí, trợ cấp sinh hoạt lên đến 2,3 tỷ đồng trong bốn năm học. 5 năm qua, trường đã trao học bổng với tổng trị giá 50 tỷ đồng cho 26 sinh viên Việt Nam, trong đó có nhiều sinh viên đạt huy chương Olympic quốc tế hoặc có thành tích học tập xuất sắc.

3 năm sau khi tốt nghiệp HKUST, Hoàng Đỗ Kiên theo học Tiến sĩ Toán học tại Đại học Yale.
Hoàng Đỗ Kiên là một trong số cựu sinh viên HKUST nhận được hai suất học bổng hấp dẫn trị giá 2,2 tỷ đồng từ nhà trường năm học 2015 - 2019. Kiên từng đoạt Huy chương bạc Olympic Toán học quốc tế và nhận được lời mời từ các trường đại học danh giá khác ở Mỹ và châu Âu, song chàng sinh viên này đã chọn HKUST bởi chương trình học bổng hấp dẫn nhất thời điểm đó.
Trải nghiệm 3 năm mài dũa tri thức tại HKUST, Hoàng Đỗ Kiên cho biết trường không chỉ trang bị kiến thức, mà còn chuẩn bị cả kỹ năng đón đầu tương lai luôn thay đổi, đặc biệt là trong thời đại VUCA nhiều biến động hiện nay.
"Tôi có thể tham gia bất kỳ lớp học nào bản thân muốn, nhận được lời khuyên từ các giáo sư và tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa", cựu sinh viên ngành Toán cho biết. Thậm chí, Kiên còn được tham gia vào chương trình Cơ hội nghiên cứu đại học (UROP), làm việc với Giáo sư Jingsong Huang để nghiên cứu về lý thuyết đại diện. Trải nghiệm UROP đã hỗ trợ anh rất nhiều, bao gồm cả việc thuận lợi theo đuổi lên chương trình Tiến sĩ Toán học tại Đại học Yale sau khi tốt nghiệp đại học.
Thế hệ sinh viên ưu tú Việt Nam sang HKUST còn có Phạm Thanh Lâm - Huy chương bạc Olympic Hóa học Quốc tế năm 2019 với suất học bổng gần 600 triệu đồng mỗi năm, bao gồm miễn hoàn toàn học phí 409 triệu đồng và trợ cấp sinh hoạt 160 triệu đồng.
Thời điểm chuẩn bị du học, Lâm nhận nhiều học bổng tương tự ở Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến (Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), và cả HKUST, song anh chọn HKUST, bởi cơ hội việc làm rộng mở và linh hoạt sau tốt nghiệp. Ngoài ra, Lâm cho biết, anh yêu mến môi trường và văn hóa ở Hong Kong, cũng như chính sách cởi mở của thành phố không ràng buộc sinh viên ra trường phải ở lại làm việc trong vài năm.

Trước khi đến HKUST, Phạm Thanh Lâm từng tham gia Olympiad (Paris).
Năm thứ hai chuyên ngành Toán học, Lâm quyết định theo đuổi con đường khoa học máy tính, sau khi tham gia các khóa học liên quan trong năm đầu. Khoa học Máy tính và Hệ thống Thông tin là chuyên ngành nổi tiếng của HKUST, được xếp hạng trong Top 30 thế giới theo QS World University Ranking.
Xuyên suốt quá trình học, trường còn cung cấp nhiều cơ hội thực tập và làm việc tự do cho từng sinh viên. Lâm đã làm việc với tư cách là "freelancer" (làm việc tự do) cho nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin Cornerstone Labs và sẽ đến Singapore thực tập trong một công ty blockchain vào mùa hè này.
Theo Lâm, bằng cử nhân HKUST là tấm vé thông hành nghề nghiệp cho bất cứ sinh viên nào sở hữu, ngay cả trong Covid-19. Từ 2013 đến nay, trường liên tục nằm trong Top 30 về Xếp hạng Khả năng Việc làm Đại học Toàn cầu của Times Higher Education. Khảo sát riêng về việc làm sau đại học của HKUST còn cho thấy, mức lương trung bình hàng tháng của sinh viên năm 2020 đạt 64 triệu đồng - cao hơn 36% so với mức trung bình 47 triệu đồng của sinh viên mới tốt nghiệp tại Hong Kong.
Nhiều sinh viên Việt Nam bước ra từ HKUST, đã gây dựng được sự nghiệp thành công. Tiến sĩ Dương Hữu Kinh Luân, thế hệ sinh viên Việt Nam đời đầu cách đây 15 năm, đều lấy bằng Cử nhân khoa học máy tính và Tiến sĩ kỹ thuật điện tử và máy tính năm 28 tuổi tại trường.

Tiến sĩ Dương Hữu Kinh Luân tại Singapore.
Giống như Kiên, Luân từng tham gia chương trình UROP để chuẩn bị cho việc học lên sau đại học tại HKUST và sự nghiệp nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore). Hiện, Luân trở thành chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Zeta Motion - một start-up công nghệ deep learning và trí tuệ nhân tạo có trụ sở ở Anh lẫn Hong Kong và được hỗ trợ bởi chính quyền 2 nước.
Dù có thể đến bất cứ đâu với hồ sơ kinh nghiệm và bằng cấp hiện có, song Luân cho biết vẫn chọn quay trở lại Hong Kong làm việc vì mức lương cao, cơ sở nghiên cứu đẳng cấp thế giới và cơ hội thăng tiến rộng mở. "Môi trường học tập và nghiên cứu tại HKUST có thể hơi căng thẳng khi bạn sẽ được bao quanh bởi các tài năng. Nhưng nếu bạn có thể vượt qua căng thẳng đó, đó sẽ là động lực cần thiết để tiến tới tương lai", Luân nhấn mạnh.
(Nguồn và ảnh: HKUST)