Kinh tế dần ổn định sau Covid-19 đang phản chiếu lên thị trường lao động. Báo cáo mới công bố của Navigos cho biết, nhu cầu tuyển nhân sự quản lý trung và cao cấp gia tăng đáng kể ở hàng loạt ngành nghề.
Tại Navigos, 5 vị trí có lương cao nhất mà hãng tuyển thành công cho khách hàng trong quý vừa qua dao động 100 triệu đến 230 triệu đồng mỗi tháng, thuộc lĩnh vực bất động sản và bán lẻ. Tuy nhiên, về số lượng, những ngành đang tăng trưởng cao nhu cầu nhân sự ở phân khúc này phải kể đến là dệt may, IT hay tài chính.
Cụ thể, cùng với "cơn khát" lao động phổ thông, ngành dệt may đang ồ ạt tuyển thêm các vị trí chuyên môn và cấp quản lý. Theo Navigos, nhu cầu tuyển dụng trong mảng này đã tăng từ 50-60% so với cùng kỳ 2020, nhất là đối với các vị trí quản lý cấp trung và cấp cao.
Nguyên nhân là nhờ các FTA, đặc biệt là EVFTA, tuy chưa thể bù đắp được sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu do Covid-19 gây ra nhưng đã tăng đơn hàng xuất khẩu đáng kể. Bên cạnh đó, tình hình tại Myanmar đã khiến các đơn hàng đổ về Việt Nam nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu tuyển dụng các vị trí trong ngành dệt may tăng lên, đặc biệt vào tháng 3/2021.
Tuy nhiên, theo Navigos, các vị trí trung và cao cấp mà doanh nghiệp dệt may tìm kiếm đang ưa chuộng nhân sự người Nhật Bản, Hàn Quốc cho khối văn phòng và người Trung Quốc, Sri Lanka và Ấn Độ cho khối sản xuất. Nguyên nhân là các vị trí này đang cần những người am hiểu cả thị trường Đông Nam Á chứ không riêng gì Việt Nam.
Ngành công nghệ thông tin cũng đang có nhu cầu tuyển người rất cao, đặc biệt cho các mảng thuê ngoài (outsourcing) và sản phẩm (product) với các kế hoạch mở rộng phạm vi hoạt động và kinh doanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mảng dịch vụ tài chính đang trong quá trình chuyển đổi số nên có nhu cầu tuyển dụng nhiều cho các vị trí IT.
Đơn cử, mới tuần trước, KMS tuyên bố lựa chọn ngành ngân hàng là một trong những điểm nhấn chiến lược tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương, do đây là ngành "mũi nhọn của nền kinh tế, có tốc độ thích ứng và thay đổi nhanh theo nhu cầu người dùng và nhạy bén với công nghệ mới".
Công ty công nghệ này vừa thành lập APAC Delivery Center cho ngành ngân hàng tại Việt Nam. "Riêng với danh mục sản phẩm dịch vụ cho ngành ngân hàng, KMS dự kiến đạt doanh thu 20 triệu USD tính đến năm 2026", ông Lê Hữu Tấn Tài, Phó tổng giám đốc của KMS Solutions tại Việt Nam cho biết.
Nhìn chung, Navigos dự kiến trong năm 2021, một số công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tăng từ 20-25% nhu cầu tuyển dụng so với năm trước. Các yêu cầu tuyển dụng từ các công ty IT này thường tập trung vào các ứng viên người Việt.
Trong khi đó, các ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn ở mảng: khách hàng ưu tiên, công nghệ, pháp chế, tuân thủ và bancassurance. Cùng với đó, sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng nhà đầu tư mới của thị trường chứng khoán trong quý I đã tạo ra các ảnh hưởng tích cực đối với nhu cầu tuyển dụng tại các công ty chứng khoán.
Theo Navigos, các yêu cầu tìm kiếm những ứng viên người Nhật, Hàn Quốc trong lĩnh vực bảo hiểm, ứng viên về quản trị rủi ro, kiểm soát nội bộ trong lĩnh vực chứng khoán đều khó tìm do việc họ đạt yêu cầu khá hiếm.
Tiếp tục xu hướng từ năm 2020, các ứng viên Việt Kiều trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ, dữ liệu (data), tiếp thị (marketing) trong mảng tài chính, ngân hàng đang rất được ưa chuộng.
Viễn Thông