Nhiều doanh nghiệp chưa dám đàm phán hợp đồng cho năm sau vì chưa biết việc phân bổ quota sẽ ra sao. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Hoàng Minh Khang, Trưởng phòng Kế hoạch - Công ty May 10, cho biết, hiện điều mà May 10 cũng như nhiều doanh nghiệp khác băn khoăn chính là thời điểm VN gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và câu chuyện hạn ngạch đối với hàng dệt may VN. "Doanh nghiệp muốn biết rõ thời điểm VN trở thành thành viên chính thức của WTO, cuối năm nay hay đầu năm sau. Nếu vào được, hàng rào hạn ngạch liệu có còn hay được dỡ bỏ? Trong trường hợp còn hạn ngạch vào Mỹ, lượng hạn ngạch cụ thể cho năm sau là bao nhiêu, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đó mà tổ chức sản xuất và có kế hoạch sử dụng quota hợp lý", ông Khang nói.
Giám đốc Công ty may xuất khẩu Protrade Lê Hồng Phoa cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt may khi tiếp xúc đàm phán với khách hàng về kế hoạch ký hợp đồng đều rất tự tin và hy vọng nhiều cho năm tới. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, khả năng gia nhập WTO của VN vào cuối năm nay chưa rõ ràng là một rào cản lớn trong việc đàm phán ký hợp đồng với khách hàng.
Thông thường hằng năm vào khoảng tháng 7-8, Bộ Thương mại tiến hành ký với Mỹ biên bản ghi nhớ gia hạn Hiệp định song phương về hàng dệt may áp dụng cho năm sau. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay đã gần sang tháng 9, các doanh nghiệp vẫn không biết sẽ phải thương lượng đơn hàng như thế nào vì chưa thấy Bộ Thương mại thông báo về chuyện đó.
Những ngày này, một số khách nhập hàng vào Mỹ đã bắt đầu bàn tới kế hoạch mua hàng cho cuối năm, thậm chí đầu năm sau. Tuy nhiên, do Hiệp định Dệt may Việt Mỹ vẫn chưa được gia hạn, doanh nghiệp cũng không biết mình có được vay hạn ngạch của năm 2006 để dùng cho năm nay hay không và sang năm tiêu chuẩn hạn ngạch của mình là bao nhiêu để nhận hàng. "Năm ngoái, giờ này chúng tôi đã bắt đầu được sử dụng tỷ lệ carry-forward để xuất các đơn hàng cuối năm. Nhưng năm nay mọi chuyện vẫn chưa rõ ràng nên chưa dám nhận đơn đặt hàng nhiều", ông Khang nói.
Còn theo ông Phoa, doanh nghiệp thì mong muốn triển khai kế hoạch cho năm tới, trong khi khách hàng lại lưỡng lự và không muốn ký hợp đồng vì cảm thấy chưa rõ ràng về lượng quota của các doanh nghiệp. "Không chỉ có khách hàng mà ngay cả doanh nghiệp cũng không dám ký nhận đơn hàng. Bởi nếu khi hợp đồng đã được ký kết nhưng thiếu quota xuất khẩu thì coi như mất hết tất cả. Do đó, trong quá trình đàm phán chuẩn bị cho kế hoạch năm sau, nhiều khách hàng chỉ đồng ý bằng miệng", ông Phoa không giấu nổi lo lắng khi tâm sự.
Cũng như Protrade Công ty Công nghiệp Thương mại xuất nhập khẩu dệt may Tân Phú Cường đưa ra mục tiêu tăng trưởng trong năm tới cao hơn năm nay là 10% nhưng hiện vẫn chưa thể khẳng định sẽ đạt được. Đối với thị trường xuất khẩu hiện đã có nhiều khách hàng lớn yêu cầu nhưng công ty cũng chưa thể nhận, vì chưa biết được lượng hạn ngạch mà công ty có được là bao nhiêu.
Là một thành viên trong Ban Điều hành dệt may, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty dệt may VN, cho biết, chỉ cần Bộ Thương mại gửi một văn bản sang Mỹ là họ sẽ gia hạn hiệp định. Khi đó, VN có thể mượn trước được 6% hạn ngạch của năm 2006 cho năm nay. Ban điều hành dệt may cũng đã họp bàn nhiều lần nhưng đến nay Bộ Thương mại vẫn chưa đi đến ký kết. Theo ông Ân, nguyên nhân một phần là do sau vụ tiêu cực trong phân bổ quota năm ngoái, việc quản lý và phân bổ hạn ngạch đã được siết chặt hơn nên thời gian xử lý bị kéo dài ra.
Ngay trong sáng 25/8, ông Ân đã yêu cầu nhân viên của mình làm một văn thư gửi lên Bộ Thương mại đề nghị dựa theo quy chế cũ để phân quota theo thành tích để các doanh nghiệp biết hướng thương lượng hợp đồng với các đối tác. Dự kiến, trong tháng 9, việc phân bổ phải hoàn thành.
Nhìn lại tình hình xuất khẩu chậm chạp của dệt may VN trong những tháng đầu năm, ông Ân cho rằng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 5,2-5,4 tỷ USD hàng dệt may năm nay là không thể đạt được. Nếu phấn đấu thì có thể đạt được 4,7-4,8 tỷ USD. Ngoài trở ngại là hạn ngạch vẫn còn, một trong những khó khăn lớn của ngành dệt may VN hiện nay theo ông Ân chính là công nghiệp phụ trợ của VN còn kém hơn so với các nước đối thủ như Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka... Cho tới nay, ngành dệt may VN vẫn phải nhập khẩu tới 60% nguyên phụ liệu từ nước ngoài.
Chủ trương của Chính phủ là phải tăng tỷ lệ nội địa hoá trong hàng dệt may lên khoảng 50% trong năm 2005. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ này mới chỉ đạt 36% do đầu tư của VN trong lĩnh vực dệt, nhuộm chưa nhiều. Sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành dệt còn kém do vốn lớn và thời gian thu hồi vốn chậm, lại phải cạnh tranh với Trung Quốc. Mặc dù VN đã có chủ trương khuyến khích đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, việc đi vận động đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Ân cho biết, thời gian qua, Bộ Công nghiệp và Hiệp hội dệt may VN cũng đã đi sang Hong Kong, Đài Loan... để vận động nhưng nhìn chung các nhà đầu tư nơi đây cũng không mấy mặn mà với VN do cơ chế chính sách còn nhiều bất cập.
Ngoài ra, một số quốc gia vốn là "đối thủ" của dệt may VN như Srilanka, Bangladesh, Indonesia không những thuận lợi vì hạn ngạch đã dỡ bỏ hoàn toàn mà còn được EU miễn thuế hoàn toàn kể từ ngày 1/5 vừa qua sau khi những quốc gia này bị thiệt hại bởi sóng thần. Hiện, Mỹ cũng xem xét trao cho những nước này những ưu đãi như vậy. Chính vì thế theo ông Ân, dù một số Cat mà VN có lợi thế và Trung Quốc đang bị Mỹ và EU hạn chế, cơ hội cho ngành dệt may VN chưa phải là lớn, các doanh nghiệp vẫn phải nỗ lực nhiều hơn.
Nhóm phóng viên