Sáng 1/8, UBND tỉnh Lâm Đồng cùng Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý xong khối lượng đất đá, giải phóng quốc lộ 20 qua đèo Bảo Lộc sau gần 48 giờ ách tắc do sạt lở. Đoạn đường dài 50 m đã được san ủi đất đá xuống taluy âm bên đường. Cơ quan chức năng cũng giảm độ cao, tránh nguy cơ sạt lở tiếp ở khu vực đồi sầu riêng phía sau trụ sở trạm CSGT Madagui.
Đến gần trưa, cảnh sát mở rào tuyến đường để xe chạy qua. Ở hai bên đầu đèo, hàng dài ôtô tải, xe khách, xe máy dần di chuyển qua sau thời gian dài chờ đợi. Các xe sẽ chạy trước chiều từ Đà Lạt tới Đồng Nai, sau 30 phút điều tiết hướng ngược lại để tránh ùn ứ hai đầu. Thời tiết khu vực đèo không mưa.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp yêu cầu việc thông tuyến cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân đi qua. Sau khi giải phóng hàng nghìn tấn đất sạt lở, cơ quan chức năng rà soát toàn bộ tuyến đèo và hệ thống đèn chiếu sáng, biển cảnh báo.
Ảnh hưởng của dãy áp thấp và gió mùa Tây Nam, khu vực Nam Tây Nguyên mưa lớn nhiều nơi. Chiều 30/7, một mảng đồi sạt lở xuống trụ sở CSGT khiến ba chiến sĩ hy sinh và một người dân tử vong. Đến 12h hôm qua, thi thể nạn nhân cuối cùng được tìm thấy.
Quốc lộ 20 là đường huyết mạch từ khu vực Đông Nam Bộ lên Đà Lạt, nên việc đóng tuyến đã gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng vận chuyển khách du lịch, hàng hóa giữa hai chiều.
Để tránh ùn tắc kéo dài, tỉnh Lâm Đồng điều phối xe đi từ TP HCM lên Đà Lạt qua tuyến cao tốc Dầu Giây - Vĩnh Hảo - quốc lộ 28 và ngược lại. Ngoài ra, nhiều xe đi quốc lộ 20 thì đến ngã ba Madagui được phân luồng lên đèo Con Ó, huyện Đạ Tẻl, thay bằng đèo Bảo Lộc.
Đèo Bảo Lộc dài khoảng 10 km, hai làn xe, nằm trên quốc lộ 20, với nhiều đoạn cua gấp, dốc cao, tạo nguy hiểm cho xe đi qua. Lâm Đồng dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 67 km, tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng, khi hoàn thành giảm áp lực đi lại lên đèo Bảo Lộc.
Phước Tuấn - Trường Hà