Rapper trở lại với MV Mang tiền về cho mẹ, ra mắt ngày 29/12/2021. Nhạc phẩm đứng đầu danh sách ca khúc thịnh hành của YouTube suốt tuần qua, đưa Đen Vâu trở thành nghệ sĩ Việt có nhiều MV đứng đầu bảng xếp hạng này nhất. Nghệ sĩ cho biết mất hơn bốn năm ấp ủ ca khúc về đề tài gia đình.
- Khi viết bài "Mang tiền về cho mẹ", những kỷ niệm nào gợi lên trong anh?
- Tôi kể câu chuyện của riêng bản thân, gửi gắm nhiều kỷ niệm. Đó là chiếc máy tính đầu tiên mẹ mua để tôi đến với âm nhạc, thu âm những bản ngây ngô; những lần mẹ ngất đi vì nhịn ăn nhịn mặc lo cho con; là ngày bé quây quần bên bếp lửa cạnh nồi cơm mẹ nấu. Đó cũng là những con chữ được mẹ cầm tay nắn viết, những buổi chiều mong mẹ đi chợ về vì biết sẽ có cái kẹo, cái bánh trong giỏ xách. Tôi nghĩ nhiều người sẽ thấy sự thân thuộc với những kỷ niệm đó, như tôi.
Chẳng hạn như câu Mang tiền về cho mẹ. Khi nhận những đồng lương đầu tiên con gửi về gia đình, mẹ tôi vui lắm, không phải vì cầm tiền của con, mà vì bà biết đứa trẻ đó đã khôn lớn, tự nuôi sống bản thân. Tôi nhớ như in lần đầu mua được máy giặt cho mẹ đỡ vất vả, lần sơn lại nhà cho đỡ cũ, mua được bộ bàn ghế mới cho tươm tất. Cảm giác được đóng góp vào tổ ấm gia đình khiến tôi hạnh phúc.
- Mẹ là điểm tựa của anh ra sao?
- Mẹ tôi là dân lao động nên chẳng dạy tôi gì nhiều ngoài việc phải sống đàng hoàng, không ăn chơi, đua đòi, phung phí. Bà cũng không mong mỏi gì hơn ngoài việc con mình có cái nghề, tự lo được cho bản thân. Trong âm nhạc, mẹ lại càng không cho tôi lời khuyên gì vì tôi cũng không chia sẻ nhiều về điều mình đang làm. Mẹ chỉ dặn tôi ăn uống đầy đủ, đừng thức khuya để có sức mà làm, ra ngoài nói chuyện lịch sự, ăn mặc gọn gàng, tôn trọng khán giả.
Trước khi đi hát, tôi mang về cho mẹ rất ít tiền, có khi còn xin thêm. Lúc mới vào nghề, thu nhập của tôi không đều, phần lớn dành ra để làm nhạc. Mẹ không bao giờ yêu cầu gì, vẫn tìm việc để làm, kiếm thu nhập. Nhìn mẹ tuổi đời ngày càng cao, xương khớp đau mỏi, bệnh tật, nhiều khi tôi thấy muộn phiền về bản thân. Đỉnh điểm là khi tôi nghỉ việc cách đây hơn 5 năm, bà buồn, mất ngủ nhiều đêm, lo con khổ vì không có thu nhập.
Sau này, có lúc nhà gặp khó khăn, ba tôi - làm tài xế chở khách - phải bán xe, thất nghiệp. Lần đó, tôi gom góp được một khoản, đưa cho mẹ để mua một chiếc xe. Bà rất bất ngờ, hạnh phúc vì có thêm phương tiện kiếm sống cho gia đình.
- Lời bài hát "mang tiền về cho mẹ..." gây tranh luận về việc nhiều người mẹ hy sinh, mong con thành đạt chứ không trông đợi bù đắp vật chất, anh nói gì về quan điểm này?
- Tôi tôn trọng ý kiến mỗi người, nhưng không ngờ quan điểm của một số khán giả lại đi xa đến vậy. Ba mẹ tôi là dân lao động, không có đồng hưu, tiền dành dụm. Nếu tôi không chăm lo cho họ thì ai lo đây? Dù những người mẹ có mong đợi, cần tiền hay không, đó vẫn là điều mà tôi nghĩ mình nên làm và tôi thấy vui vì được làm. Bài hát khá dài, tôi hy vọng mọi người nếu quan tâm hãy lắng nghe và thấu hiểu. Tôi viết bài này không chỉ hướng đến người trẻ, mà còn hy vọng các bậc cô chú nghe. Tôi nghĩ bản thân đã chọn lựa câu từ khá dễ hiểu.
- Đa số ca khúc anh thường gây tranh cãi từ MV đến lời hát. Anh nghĩ sao?
- Tôi chỉ muốn người nghe nhạc của tôi thoải mái, dễ chịu, được trút bỏ tâm tư, đồng hành với họ những lúc vui buồn. Tôi tìm người đồng cảm chứ không tìm người khác quan điểm vì nhận những lời tiêu cực chỉ khiến tôi muộn phiền thêm. Làm nhạc gây tranh cãi chưa bao giờ là điều tôi muốn. Tôi cũng không muốn fan mình phải lao vào những tranh cãi đó. Thỉnh thoảng, tôi lướt YouTube hoặc fanpage đọc tâm sự khán giả. Có những lời "chê" khiến tôi mỉm cười, chẳng hạn: "Anh này xấu trai mà rap được nè".
- Các ca khúc gần đây của anh thường có lồng ghép yếu tố quảng cáo, anh cũng từng viết "không có tiền thì làm nhạc làm sao". Tiền chi phối cách anh sáng tạo thế nào?
- Thực ra, vẫn có thể làm nhạc mà không cần tiền, nhưng muốn làm cho "đã đời" thì cần rất nhiều tiền. Đó là thực tế. Sản phẩm sẽ tốt hơn về thính giác, thị giác, thậm chí là cảm giác nếu gặp được những con người tài giỏi, thiết bị hiện đại, êkíp giàu kinh nghiệm. Những điều này không thể có được một cách miễn phí. Đạo diễn giỏi, máy quay hiện đại, êkíp đông đảo lành nghề, nhạc công tài ba... đã bỏ nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để học, trau dồi kinh nghiệm, sắm sửa thiết bị. Trả tiền cho họ đầy đủ cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng họ.
Tôi nghĩ có làm mất đi sự sáng tạo, tính nguyên bản của nghệ thuật hay không là do nghệ sĩ và nhãn hàng có tìm được tiếng nói chung. Dù hai bên tìm kiếm những điều khác nhau khi hợp tác, tôi luôn hiểu rằng khán giả là người đón nhận tác phẩm. Tôn trọng cảm xúc khán giả vẫn phải là mục tiêu quan trọng nhất.
- Từ "vào đời tay trắng" (Một triệu like) đến có fan "xếp hàng dài đến hết đường Ký Con" (Mang tiền về cho mẹ), anh thấy mình thay đổi ra sao?
- Thay đổi lớn nhất là ngày xưa tôi chỉ viết cho bản thân, nghĩ rằng chắc chẳng ai muốn nghe, chẳng ai hiểu đâu. Giờ thì khác, tôi được nuôi sống, động viên nhờ khán giả nên tâm tưởng rộng mở hơn nhiều. Đó cũng là lý do tôi áp lực mỗi lần ra bài mới vì luôn muốn khán giả hài lòng. Tôi cũng trăn trở việc ý tưởng ngày một khan, câu chữ ngày mỗi khó. Nghệ sĩ nào cũng muốn tác phẩm sau không lặp lại những gì đã viết.
- Tết này anh mang gì về cho mẹ?
- Thôi thì nói được làm được, tôi mang tiền về cho mẹ tôi vậy (cười).
Rapper Đen Vâu tên thật là Nguyễn Đức Cường, sinh năm 1989 ở Hạ Long. Trước khi đi hát, Đen từng làm nhân viên thu gom rác thải suốt bảy năm. Rapper mở đầu sự nghiệp với các sáng tác: Đưa nhau đi trốn, Đi theo bóng mặt trời, Trời ơi con chưa muốn chết, Cô gái bàn bên, Ta và nàng...
Tại chương trình Bài hát Việt năm 2011, Đen đoạt giải "Bài hát được khán giả yêu thích nhất" với ca khúc Cây bàng. Năm 2019, Đen làm liveshow kỷ niệm 10 năm vào nghề, thu hút hơn 5.000 khán giả. Đen là nghệ sĩ có nhiều MV đứng đầu top thịnh hành Youtube nhất với 12 ca khúc, như Anh đếch cần gì nhiều ngoài em, Bài này chill phết (hát với Min), Hai triệu năm, Lối nhỏ, Một triệu like, Trời hôm nay nhiều mây cực, Đi về nhà (hát với JustaTee), Trốn tìm, Mang tiền về cho mẹ...
Mai Nhật