"Nếu anh nói đi mua đồ cổ, đến nhà nào họ cũng mang ra cả đống. Ở Chu Đậu nạn đào trộm, buôn lậu đang là vấn đề nhức nhối suốt mấy tuần nay...", ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương nói.
Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách) chính là nơi đã tạo ra những cổ vật gốm sứ nổi tiếng được trục vớt gần cù lao Chàm cuối năm ngoái. Tới đầu thôn, tôi rẽ vào một nhà dân, giả làm người buôn đồ cổ. Sau một hồi trò chuyện, chủ nhà có tên Nguyễn Văn Phúc đã mang ra cả tải gốm sứ đủ loại và đọc giá vanh vách, cái nào rẻ thì vài chục nghìn nhưng cũng có cái anh "phát giá" đến 500 USD. Nếu đồng ý, khách có thể đặt cọc một ít rồi nhận hàng ở chỗ khác vì "địa phương làm căng lắm".
Tại nhà chị Nguyễn Thị Huýnh, chỉ 1 cái hố vôi nhỏ được đào (với lý do tôi vôi sửa chuồng lợn) đã có đến vài chục chiếc bát, ấm, bình được tìm thấy. Với những kẻ "ngoại đạo" như chúng tôi, chị không giấu mục đích đào hố vôi chính là để tìm cổ vật và sẵn sàng bán hoặc cho làm đồ kỷ niệm nếu khách thích. Chị chẳng cần biết đến giá trị văn hóa, lịch sử, chỉ cần có khách mua là bán. Chị Huýnh tiết lộ thêm, khi đào phải ngụy trang thật khéo để không ai biết, thường làm vào buổi đêm. Rất nhiều nhà trong thôn làm như vậy và đã qua mặt được chính quyền.
Đến nhà anh Trần Văn Tuyển, trong khi cán bộ bảo tàng đang khảo sát khu vườn nhà thì bà mẹ anh lôi từ trong hòm ra đến hàng chục bình lọ gốm với đủ kích cỡ màu sắc. Khi được hỏi xuất xứ của những sản phẩm đó, bà cho rằng điều đó không quan trọng bằng giá của nó là bao nhiêu.
Đào trộm cổ vật. |
Ông Nguyễn Hữu Nhã, Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Dương cho biết, gốm sứ Chu Đậu chủ yếu được sản xuất từ thế kỷ thứ XV và được mọi người, nhất là dân buôn đồ cổ "quan tâm" từ khi chiếc tàu chuyên chở gốm sứ Chu Đậu được trục vớt ở cù lao Chàm cuối năm ngoái. Với địa bàn rộng 39.700 ha với mật độ di vật cực lớn, trong khi đó, đất đai hầu hết đã giao cho các hộ gia đình nên tình trạng đào bới khó tránh khỏi. Đã có chuyên án về bảo vệ cổ vật ở Chu Đậu, giao cho công an và chính quyền xã nhưng việc giữ gìn của 2 xã chưa tốt. Những phần trong gia đình hoặc những nơi đồng không mông quạnh vẫn bị đào bới không kiểm soát nổi...
Anh Đồng, Chủ tịch huyện Nam Sách cho biết Chu Đậu là di sản là của quốc gia nhưng biện pháp quản lý lại phụ thuộc địa phương. Người dân Nam Sách rất tự hào về mảnh đất địa linh nhân kiệt của mình nhưng không phải tất cả mọi người đều như vậy. Trách nhiệm để xảy ra hiện tượng đào bới một phần thuộc về huyện nhưng huyện đã phân chia quyền cho ngành văn hóa, công an. Đến nay đã ngăn chặn nhưng chưa triệt để.
Từ mấy ngày nay, 2 xã Minh Tân và Thái Tân (huyện Nam Sách) đã bố trí lực lượng tuần tra canh gác, tập trung sức lực bảo đảm an toàn. Công an luôn cảnh giác và bắt giữ những đối tượng buôn bán cổ vật.
Anh Nguyễn Xuân Hòa, trưởng thôn Thái Tân cho biết thủ đoạn của những người đào bới là làm ít một vào vào ban đêm. Một số khác thì viện đủ mọi cớ: đào móng làm nhà, xây chuồng lợn, đào giếng... Công an đã đến nằm vùng nhưng chỉ giải quyết được một phần.
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thái Tân, đến nay, đội chuyên án đã bắt và lập biên bản 15 trường hợp đào bới và buôn bán cổ vật nhưng ông cũng công nhận con số thực tế ngoài tầm kiểm soát còn lớn hơn nhiều. Một nhà lan sang nhiều nhà bởi họ bảo nhau, thậm chí đào cả vào chân đê, vi phạm nghiêm trọng pháp lệnh đê điều. Ngay trong khi chúng tôi đang làm việc với UBND xã thì vẫn có người lén lút đào bới. Theo ông Thắng, nếu chậm khắc phục thì số cổ vật trong làng sẽ mất hết trong một ngày không xa.
Anh Tuấn.