Ngôi đền nổi tiếng Erawan bị hư hại nhẹ trong vụ nổ bom hôm 17/8 và mở cửa lại cho du khách hôm qua, sau khi được dọn dẹp sạch sẽ. Chỉ có một vài khách được trông thấy có mặt tại nơi từng là điểm đến tấp nập của khách du lịch, theo The Nation Multimedia.
John, du khách người New Zealand, dừng lại chụp ảnh hiện trường vụ nổ ở phía trước ngôi đền linh thiêng. Trò chuyện với phóng viên, John cho hay anh vẫn lo lắng tới vấn đề an ninh ở Bangkok.
"Tôi không chắc về an ninh ở đây, nhưng tôi hiểu một sự việc buồn đau như thế có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào", John nói.
Dù lo sợ, vị khách người New Zealand vẫn muốn tới thăm Thái Lan lần nữa. Trước khi về nước, John sẽ tới thành phố Chiang Mai hôm nay.
"Tôi yêu quý đất nước này", John chia sẻ.
Khu vực ngôi đền hôm qua rất đông phóng viên và cảnh sát. Du khách người Trung Quốc tên là Vivian là một trong số ít khách tới thăm đền.
"Tôi cảm thấy sốc và rất tiếc về vụ tấn công đẫm máu xảy ra. Gia đình chúng tôi vừa từ Chiang Mai tới. Chúng tôi muốn xem chuyện gì xảy ra ở đây và cầu nguyện cho các nạn nhân, bằng tất cả sự kính trọng của mình", Vivian tâm sự.
Vivian thấy bất an khi ở Bangkok, mặc dù có sự xuất hiện của cảnh sát, nhân viên an ninh quanh khu vực giao lộ Ratchaprasong. Cô và gia đình lên kế hoạch tới thành phố Phuket trong vài ngày tới.
Vụ tấn công không chỉ cướp đi sinh mạng của 20 người, mà còn đánh vào nền kinh tế của thành phố. Bà Kumpa Yodsrimuang, một tiểu thương kinh doanh hoa phía trước đền Erawan, cho biết việc buôn bán của bà giảm 90 % sau vụ đánh bom.
"Tôi cảm thấy may mắn vì các cửa hàng hoa trước cửa đền đều đóng cửa hôm 17/8. Tuy nhiên, vụ đánh bom ảnh hưởng nghiêm trọng tới kinh tế của chúng tôi", bà Kumpa chia sẻ. "Tôi có nhiều món nợ phải trả và nhiều khoản chi tiêu trong ngày. Tôi không biết làm gì trong tình hình hiện tại. Tôi đã có tuổi và giờ không thể làm công việc nào khác vì cả đời đã gắn bó với việc bán hoa".
Tiểu thương này thừa nhận sợ một vụ đánh bom khác xảy ra nhưng bán hoa là kế sinh nhai duy nhất của bà. Bà Kumpa cho rằng tình hình sẽ lắng lại trong 5 hoặc 6 tháng, nhưng tới lúc đó, bà chắc cũng lâm vào cảnh nợ nần.
Theo Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, các nạn nhân của vụ đánh bom được điều trị tại các bệnh viện khắp Bangkok. Bác sĩ Rattaplee Pak-art, trưởng khoa chấn thương của Bệnh viện Chulalongkorn, cho hay bệnh nhân đang dần xuất viện về nhà. Hôm qua, chỉ còn 15 người ở lại viện.
"Bốn bệnh nhân vẫn trong tình trạng nguy kịch. Trường hợp nặng nhất đã được phẫu thuật não. Anh ấy bị tổn thương não. Tôi có thể đảm bảo với tất cả mọi người rằng chúng tôi đã dồn mọi nguồn lực hiện có để giúp nạn nhân này và tất cả những người khác", ông Rattaplee khẳng định.
Bình Minh