Theo Asia One, nhiều người đã đổ đến các bệnh viện trong thành phố và Viện Pháp y (Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát) để tìm hiểu tình trạng của người thân hoặc nhận diện thi thể. Thông tin mới nhất từ Viện Pháp y chiều qua cho biết có 20 người thiệt mạng và hơn 120 người khác bị thương trong vụ đánh bom tối 17/8.
Khoảng một tiếng sau vụ việc, Pichitra Bamrungsuk và gia đình nhận được tin em chồng cô, Suwan Sathman, 30 tuổi, là một trong số những người bị thương nặng.
"Gia đình tôi đang ăn tối tại nhà ở quận Suan Phung, tỉnh Ratchaburi, thì nghe tin Bangkok bị đánh bom", Pichitra kể.
Lúc đầu, gia đình Pichitra chỉ được thông báo là em chồng cô bị thương và đã được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát. Họ cảm thấy bớt lo khi biết Suwan ít ra cũng đang được các bác sĩ giỏi chăm sóc.
"Cả nhà vội tới Bangkok, nhưng đến nơi thì Suwan đã qua đời", Pichitra nói trong nước mắt.
Theo Pichitra, em chồng đã lên kế hoạch làm đám cưới. Lúc tới Viện Pháp y và trông thấy thi thể Suwan, người thân và vợ sắp cưới của của anh đã bật khóc. Pichitra cho hay gia đình sẽ tổ chức lễ tang trong năm ngày, rồi hỏa táng tại một ngôi đền gần nhà.
Tối hôm đó, Kanoksak Changtam cũng tới Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát tìm chị gái Waraporn Changtam, ngay khi truyền thông đưa tin về vụ nổ bom, nhưng không tìm thấy thi thể cô.
"Chị gái, anh rể và một số bạn bè của chị tôi đang đi bộ ngang qua hiện trường lúc quả bom phát nổ. Chồng chị ấy bị thương, còn chị tôi mất mạng. Tôi được anh rể báo tin", Kanoksak cho hay.
Hôm đó cũng là lần cuối cùng Napue Sae Lee, ở Chiang Rai, nói chuyện với em gái, Namouy Sangchan, 30 tuổi.
"Namouy bảo với tôi rằng nó sẽ tới đền cùng bạn bè vào buổi tối. Đó là lần cuối cùng chị em tôi nói chuyện với nhau. Tôi chưa bao giờ nghĩ chuyện như vậy lại xảy ra", Napue, 33 tuổi, chia sẻ lúc ở bệnh viện Chulalongkorn để nhận diện em gái.
Napue mong chính phủ nhanh chóng tìm ra thủ phạm vụ đánh bom và cảm thấy không an toàn khi sống ở thành phố. Cô đang đợi bệnh viện cho phép đưa xác em gái về làm lễ tang.
Theo Bangkok Post, các bệnh viện chật cứng du khách Trung Quốc tới tìm người thân. Nhiều tình nguyện viên nói tiếng Trung cũng có mặt tại đây để giúp phiên dịch cho người nhà nạn nhân và nhân viên y tế. Pei Ying, sinh viên đại học người Trung Quốc, hôm qua tới bệnh viện Chulalongkorn để tìm một khách du lịch đồng hương.
"Tôi đọc được lời thỉnh cầu tìm giúp bà Weng Da trên mạng. Người phụ nữ này tới Thái Lan du lịch cùng bạn bè nhưng mất liên lạc với gia đình sau vụ nổ bom ở Bangkok. Tôi quyết định giúp gia đình bà ấy vì có thể nói tiếng Thái. Tôi cũng muốn giúp những người khác nữa", Pei cho hay.
Theo Pei, tên của bà Weng không có trong danh sách những người được xác định là thiệt mạng hay bị thương. Tuy nhiên, cô vẫn đang cố gắng đối chiếu ảnh bà Weng với thông tin các nạn nhân của vụ nổ bom.
Bác sĩ Udomsak Hoonwijit, trưởng khoa Pháp y của bệnh viện Chulalongkorn, cho biết ông tìm thấy những vòng bi trong cơ thể nạn nhân được đưa tới bệnh viện.
"Những vòng bi được đặt vào trong quả bom để có thể sát hại được nhiều người hơn. Các nạn nhân chết vì vòng bi này nhiều hơn là do ảnh hưởng của vụ nổ bom", ông Udomsak nói.
Bệnh viện Chulalongkorn cho biết 27 nạn nhân được đưa vào đây, trong đó có 14 nam, 10 nữ và ba bé gái.
Bình Minh