Chiếc đèn bí ngô mà du khách vẫn thường thấy trong các lễ hội Halloween trên thế giới có nguồn gốc từ Ireland. Tuy nhiên, trong nền văn hóa Celtic cổ ở quốc gia này, đèn không phải làm từ bí ngô như ngày nay. Thay vào đó là chiếc đèn củ cải được khoét rỗng và bên trong có một cây nến. Ánh sáng của chiếc đèn được cho là để xua đuổi ma quỷ xuất hiện vào những đêm cuối tháng 10.
Về nguồn gốc của loại đèn chỉ xuất hiện vào lễ hội ma quỷ này, ở Ireland lưu truyền một câu chuyện phổ biến.
Chuyện xưa kể rằng trước đây có một người đàn ông khốn khổ, hay say xỉn nhưng láu cá, thông minh tên là Stingy Jack. Jack từng lừa gạt rất nhiều người và lấy đó làm nguồn vui. Nạn nhân của anh gồm có gia đình, bạn bè và thậm chí là quỷ Satan.
Một ngày kia, Jack lừa cho quỷ dữ trèo lên một cây táo. Ở phía dưới, Jack khắc một hình chữ thập, phong ấn khiến con quỷ không sao xuống được. Để có được sự giải thoát, quỷ phải hứa với Jack rằng khi anh chết, nó sẽ không lấy linh hồn của anh đi. Jack đồng ý, xóa hình cây thánh giá khỏi thân cây và con quỷ có thể xuống.
Nhiều năm sau đó, Jack chết đi nhưng anh bị từ chối lên thiên đàng. Thánh Peter giải thích lý do là vì khi còn sống, Jack đã rất ích kỷ và độc ác. Sau đó, Jack đi xuống địa ngục. Con quỷ năm xưa giữ lời và không chấp nhận linh hồn anh.
Lúc này, Jack mới bắt đầu sợ hãi. Anh ta không còn chỗ để đi. Jack hỏi con quỷ về việc mình không thể rời đi vì trời đã quá tối, và không có chút ánh sáng nào. Con quỷ liền ném cho anh một ngọn lửa từ địa ngục để nhìn thấy đường.
Thứ duy nhất mang theo người Jack lúc đó là củ cải - món ăn anh yêu thích khi còn sống. Anh liền khoét ruột củ cải, đặt đốm lửa nhỏ vào trong và bắt đầu đi lang thang nhằm tìm kiếm một chỗ trú chân. Hơi ấm duy nhất sưởi ấm cho Jack trong giá lạnh là ngọn đèn leo lét trong củ cải.
Từ truyền thuyết này, trong đêm của lễ hội Halloween 31/10, người dân Ireland bắt đầu có tục lệ chạm khắc những quả bầu, khoai tây, củ cải đường. Sau đó họ đặt vào đó một ngọn lửa nhỏ thắp sáng, nhằm xua đuổi ma quỷ và soi sáng đường cho Jack đi.
Những năm 1800, làn sóng người nhập cư tràn sang Mỹ. Tại đây người Ireland nhận ra rằng bí ngô lớn hơn và dễ dàng để làm đèn lồng hơn. Vì vậy, họ sử dụng bí ngô để thay thế, và đèn lồng bí ngô Jack O'Lanterns ra đời từ đó.
Bên cạnh đèn bí ngô, ngày lễ Halloween ở Mỹ và các nước phương Tây cũng được tổ chức rầm rộ với các bữa tiệc hóa trang thành ma quỷ, cùng trò chơi Trick or Treat (cho kẹo hay bị ghẹo). Vào ngày này, trẻ con sẽ tụ tập thành một nhóm nhỏ, hóa trang giống ma quỷ và gõ cửa nhà hàng xóm. Mọi người sẽ có thói quen mở cửa, cho lũ trẻ kẹo, bánh và thậm chí là tiền.
Nguồn gốc của trò chơi này bắt nguồn từ việc thần Druids cho rằng người chết sẽ tìm đến lừa, gây lo sợ và phá hoại con người. Những hồn ma đi lại ăn xin và đến nhà nào, gia chủ phải cung cấp thức ăn cho chúng nếu muốn được "yên thân".
Xem thêm: Những lễ hội chào đón người chết trên thế giới
Vào ngày 31/10 hàng năm, hàng chục nghìn trẻ em ở Bắc Mỹ và một số nước châu Âu lại hân hoan đón chào lễ hội Halloween. Chúng thường mặc các bộ trang phục và hóa trang đáng sợ, đi thành từng nhóm gõ cửa từng nhà để xin bánh kẹo. Từ Halloween bắt nguồn từ nhà thờ thiên chúa giáo, là dấu tích còn lại của lễ hội All Hollow Eve.Ngày 1/11 là ngày lễ của người Thiên chúa bày tỏ lòng thành trước thánh thần. Nhưng vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ở xứ Celtic (Ireland) mùa màng kết thúc vào ngày 31/10 và lễ hội Halloween được gọi là ngày lễ Samhain (gieo trồng). Ngày này cũng chính thức bắt đầu một năm mới của người Celtic. Người ta tin rằng vào đây là thời điểm người chết quay trở lại nhà người thân để xin thức ăn và nước uống. Trong suốt đêm lễ thánh Hallow’s Eve, diễn ra vào đầu mùa đông - thời điểm kết thúc một năm, các xác chết đi lại tự do. |
Anh Minh