- Dừng ở đây thôi cậu ơi, nhà tôi đây rồi.
- Đâu nhà bác đâu để cháu mang giúp bác cái vali nhé.
- Thôi, cám ơn cậu, nó to thế nhưng chả nặng gì đâu, tôi mang được. Bao nhiêu tiền cậu nhỉ?
- Bốn trăm hai mươi ngàn bác ạ.
- Gửi cậu.
- Cháu xin, cám ơn bác.
Cậu lái taxi này tử tế thật.
Tôi khoác balô, một tay xách túi quà, một tay kéo cái vali rẽ vào ngõ nhà mình.
- Ơ hay sao lại tối thui thế nhỉ? Mẹ đã ngủ rồi hay sang nhà hàng xóm chơi?
Vừa bước vào tới đầu sân, dưới ánh sáng mờ mờ của những ngôi sao đầu mùa hạ, trong ngây ngất hương xoan, tôi thấy mẹ ngồi một mình trên thềm hè, chưa kịp chào đã nghe tiếng mẹ:
- Đoàn về đấy à? Sao về muộn mà lại nhiều đồ thế? Cậu lái xe đâu?
- Vâng, con vừa từ Sài Gòn ra, từ sân bay Nội Bài con đi taxi về thẳng đây. Sao mợ (chúng tôi gọi bố mẹ là cậu, mợ) ngồi một mình mà không bật đèn lên? Mấy đứa cháu nhà chị cả không sang ngủ với mợ à?
- Chúng nó có hôm sang có hôm không.
- Sao mợ không bật đèn lên? Mợ không xem tivi à?
- Bật đèn làm gì, vừa tốn điện vừa muỗi nó bay vào, tivi thì ta có bao giờ xem đâu. Người ta nói cái gì ta không hiểu thì xem làm gì, cũng chỉ tốn điện.
Tôi thả cái balô, túi quà và cái vali ra, ngồi xuống cạnh mẹ, nắm hai đầu gối mẹ, thấy toàn xương.
- Sao mợ vẫn gầy thế, ăn uống kém lắm hả mợ?
Mẹ không nói gì, đưa tay sờ lên mặt tôi, bàn tay khô và nhám quá chừng. Bàn tay mẹ dừng lại ở trán.
- Chết chửa, sao lại nóng thế này, anh bị sốt à?
- Con hơi nhức đầu, trưa này bị trận mưa ở Sài Gòn.
- Nóng như hòn than thế này, thôi đi vào nhà đi, để ta đi làm cho anh nồi nước xông, bưởi chắc còn ít hoa muộn thơm lắm.
- Không cần đâu mợ ạ, còn không thì mợ cứ để con tự đi ra vườn hái lá xông, chứ tối thế này mợ lọ mọ.
- Anh nói thế nào? Vườn nhà, ta thuộc từng gốc cây mô đất, nhắm mắt ta cũng đi tới cây bưởi, bụi xả, khóm gừng. Anh cứ mang các thứ này vào nhà đi.
Mẹ chống hai tay vào đầu gối đứng dậy, bước chầm chậm qua cái sân nhỏ. Bóng mẹ nhòa vào trong bóng tối của khu vườn um tùm cây trái.
Tôi kéo vali, balô và túi quà vào nhà, bật công tắc đèn, ba gian nhà ngoài sáng bừng lên. Trên bàn thờ bố vẫn còn một nén nhang gần tàn. Mẹ vẫn có thói quen mỗi lần thắp nhang cho bố cũng chỉ thắp một cây.
Tôi rút ba cây nhang thắp lên và lạy bố, khi quay ra đã thấy bếp sáng đèn, nghe thấy tiếng đậy nắp xoong leng keng, bóng mẹ đổ dài ra mãi ngoài sân.
Đang còn loay hoay với túi quà, cái balô, tôi đã nghe tiếng dép mẹ lẹt xẹt ngoài sân. Mẹ đã vào tới nhà, lưng hơi khòng xuống, hai tay bê một nồi nước xông nghi ngút khói và thơm ngào ngạt.
- Trời ơi! Sao mợ không gọi con xuống, cái nồi nước sôi này nguy hiểm quá.
- Anh còn chưa cởi quần áo ngoài ra, thôi nhanh lên ngồi xuống đây kẻo nước nguội mất, ít hơi.
Mẹ đặt cái ghế con cạnh nồi nước xông. Tôi cởi hết quần áo ngoài rồi ngồi xuống, hai chân choàng qua cả nồi nước. Mẹ đã lấy cái vỏ chăn, một đôi đũa cả đưa cho mình. Trước khi tôi trùm cái vỏ chăn lên người, mẹ dặn:
- Tí nữa anh lấy đôi đũa này mở nắp nồi ra, lúc đầu mở ít thôi, từ từ mới mở hết không thì nóng lắm đấy. Đến khi hơi còn ít thì anh lấy đôi đũa xốc mớ lá trong nồi lên.
Mẹ trùm cái vỏ chăn lên người tôi. Bên trong tối om và nóng, tôi bắt đầu mở nắp. Một luồng hơi nóng bốc lên thơm quánh mùi lá bưởi, lá xả. Tôi chợt nhớ và so sánh những lần đi xông hơi mồ hôi bắt đầu vã ra. Tiếng mẹ bên ngoài:
- Có nóng không? Có dễ chịu không?
- Nóng lắm nhưng mà rất dễ chịu, mồ hôi con vã ra rất nhiều, có lẽ tí nữa là khỏi sốt.
- Cả nhà này chỉ còn anh và ta là thỉnh thoảng xông để chữa cảm cúm. Đám con cháu nhà chị cả hay anh Kết ở Hải phòng, rồi cả mấy đứa nhà anh trên Hà Nội cứ hơi một tí là mua thuốc uống, ta chả thích tẹo nào.
Tôi đã xốc mớ lá mấy lần, nồi nước đã ít hơi lắm, người từ đầu đến chân nhòe nhoẹt mồ hôi.
- Thôi mợ ơi, nước nguội rồi, hết hơi rồi, con đi tắm.
- Ừ, mang nồi nước này vào nhà tắm, pha thêm nước lạnh vào rồi tắm đi, chả cần xà phòng đâu. Tôi bê nồi nước lá vào nhà tắm, chắt nước ra một cái thau nhôm to (mang từ Liên Xô về) rồi pha thêm nước lạnh cho đủ ấm. Dòng nước ấm thơm mùi lá bưởi, lá sả... chảy trên cơ thể mình mang đi hết bụi bặm và mệt nhọc nhưng hương thơm thì như ngấm vào da thịt. Một cảm giác thật dễ chịu.
Thay bộ quần áo mới, tôi trở lại nhà đã thấy mẹ ngồi cạnh bàn, trên bàn có một tô cháo lớn đang bốc khói, mùi hành hoa, tía tô thơm phát thèm.
- Ô, mợ đã nấu cháo từ lúc nào thế?
- Ta nấu cháo cùng lúc đun nước lá xông cho anh đấy thôi, anh ăn đi, trộn đều lên có cả hai quả trứng gà ở bên dưới đấy.
Tôi ngồi xuống bàn, đối diện với mẹ, nhìn mẹ.
- Anh ăn đi, sao lại cứ nhìn ta thế.
- Hay con với mợ cùng ăn nhé, nhiều thế này cơ mà.
- Không, anh ốm chứ ta có ốm đâu, với lại ta có ăn muộn thế này bao giờ, anh ăn đi không nguội mất.
Tôi cúi xuống ăn cháo, lúc nãy những cái thơm tho của lá xông ngấm từ ngoài vào, bây giờ cái thơm ngọt của cháo, hành hoa, tía tô, trứng gà... lại ngấm từ trong ra. Mệt nhọc, cảm cúm đâu còn chỗ trong người, thật dễ chịu.
Ăn xong tô cháo, tôi ngẩng lên đã thấy mẹ mắc màn và chuẩn bị thêm gối, chăn.
- Uống nước đi rồi ngủ thôi, khuya quá rồi.
- Vâng, con rửa cái tô này đã, mợ cứ ngủ trước đi.
Tôi đi rửa cái tô cháo vừa ăn, úp nó vào chạn bát, quay lên đóng cửa, tắt đèn rồi chui vào màn nằm cạnh mẹ. Quàng tay ôm mẹ, mẹ gầy gò, nhỏ thó có khi chỉ bằng nửa tôi. Mẹ lại đưa tay lên mặt tôi, bàn tay khô nhám và xương xẩu cứ xoa mãi vào miệng mũi rồi cuối cùng úp lên trán tôi.
- Mát rồi, hết sốt rồi. Ngày mai anh có lên Hà Nội không?
- Không mợ ạ. Con nghỉ ở nhà mấy ngày đến thứ Năm mới lên Hà Nội.
- Thế thì tốt, mai ta sẽ nấu hến với hẹ cho anh ăn, ngày trước bố các anh thích ăn canh hến nấu với hẹ lắm, bây giờ ngủ đi.
Tôi hít một hơi thở dài rồi nằm im bên cạnh mẹ.
Ngoài vườn có tiếng cánh hoa bưởi rụng, lại có cả tiếng mấy con dế đang "hát".
Phạm Văn Đoàn