Thấy tôi không di chuyển, anh ta rú ga lách qua để vào ngã tư, lúc đèn đếm ngược báo còn mấy giây nữa mới chuyển từ đỏ sang xanh. Một loạt xe máy cũng rú ga bám theo chạy vào nút giao, lúc này vẫn còn xe cộ đang lưu thông tốc độ cao ở chiều xung đột.
Đầu tuần này, tôi tham gia thuyết trình về thành phố thông minh và việc xây dựng, quản lý hệ thống giao thông thông minh ở Singapore cho những học viên đến từ Việt Nam. Nhận xét thú vị của một học viên làm tôi chú ý: Trong hệ thống giao thông đường bộ thông minh, hiệu quả của mình (xếp thứ 5 thế giới năm 2024), Singapore không dùng đèn đếm ngược tại các nút giao thông để điều tiết xe cộ mà chỉ dùng đèn đếm ngược với làn dành cho người đi bộ qua đường.
Tôi liên tưởng ngay đến cú rồ ga cố vào nút giao của người đàn ông hôm nọ, và đoàn xe máy vừa chạy vừa bấm còi theo sau, khi đèn đỏ đang đếm những giây cuối cùng về 0.
Ở Singapore, Cục Quản lý đường bộ (LTA) đã thử nghiệm trong 6 tháng, từ năm 2003, hệ thống đèn đếm ngược kết hợp với đèn tín hiệu giao thông ở một số nút giao đông đúc. Kết quả thử nghiệm trên nhiều tiêu chí cho thấy phần lớn lái xe cố gắng vượt khi đèn đếm ngược gần về 0, và trước khi đèn đỏ bật sáng, dẫn đến nguy cơ cao là đâm vào đuôi xe đang lưu thông phía trước.
Do vậy, mặc dù đèn đếm ngược có một số lợi ích như: cung cấp thông tin về thời gian phải dừng chờ, hay tiếp tục được đi tiếp cho lái xe, qua đó tiết kiệm được thời gian khởi động và chuẩn bị xuất phát của xe, rút ngắn thời gian lưu thông trên đường, nó không nâng cao độ an toàn, thậm chí ngược lại, gây rủi ro tai nạn hơn. Vì lý do này, LTA liên tục bác bỏ các đề xuất, thậm chí từ đại biểu quốc hội, về lắp đèn đếm ngược kết hợp với đèn giao thông truyền thống. Khi đặt mục tiêu an toàn giao thông lên trên sự thuận tiện ngắn hạn, quan điểm của LTA được đa số người dân chấp nhận, đồng tình.
Thứ hai, đèn đếm ngược trong tương lai gần sẽ cản trở cho hệ thống giao thông thông minh sử dụng các thiết bị cảm biến lắp gần nút giao thông đánh giá lưu lượng xe tiếp cận để điều chỉnh linh hoạt thời gian đèn xanh/ đèn đỏ tại nút giao thông đó. (Vì đặt chế độ đếm ngược tại một nút giao thông, là mặc nhiên ấn định thời gian chờ đèn xanh, đèn đỏ tại đó). Đặt cảm biến điều tiết tín hiệu đèn là quy hoạch giao thông tiên tiến mà nhiều nước đang nghiên cứu để áp dụng như Singapore. Khi đưa vào thực tiễn, các cảm biến này sẽ thay thế lực lượng cảnh sát giao thông có mặt tại hiện trường để điều tiết bằng khẩu lệnh và hiệu lệnh, cho làn này đông xe hơn đi tiếp hoặc làn kia ít xe hơn dừng lại.
Trên thế giới chỉ còn khoảng 20 quốc gia sử dụng đèn đếm ngược ở nút giao thông, trong đó có Việt Nam. Một số quốc gia có đặc điểm tương đối giống với Việt Nam về quy mô dân số (hơn 100 triệu dân) và giao thông (ít phương tiện công cộng, đa số là xe máy) - như Philippines - đã dần dần bỏ đèn đếm ngược tại các thành phố lớn. Các quốc gia có hệ thống giao thông tiên tiến như Mỹ, Nhật hay Singapore chỉ áp dụng đếm ngược cho làn người đi bộ qua đường tại các nút giao, giúp người già, trẻ con, người tàn tật - vốn di chuyển chậm hơn người bình thường - tự đánh giá thời gian còn lại có đủ cho mình vượt qua nút giao, hay phải chờ lượt tiếp theo. Singapore còn phát minh và áp dụng cách xin đường khẩn cấp hay xin thêm thời gian vượt nút giao cho người già, trẻ con và người tàn tật. Theo đó họ sẽ bấm một nút xanh (the green man) đặt ở chỗ qua đường để báo cho đèn giao thông tại nút giao điều chỉnh thời gian đèn xanh, đèn đỏ. Nếu áp dụng đèn đếm ngược cho luồng xe cộ thì việc "xin đường" này sẽ không sử dụng được.
Quay trở lại với đèn đếm ngược tại các nút giao ở Việt Nam, tôi cho rằng hệ thống này đã góp phần hữu ích về cung cấp thông tin cho lái xe, giảm bớt căng thẳng khi chờ đèn hiệu. Tuy nhiên, hệ thống đếm ngược đang dần tạo ra thói quen xấu cho một bộ phận lái xe và những người sẵn có tâm lý tranh thủ, sợ thiệt, vội vàng, hoặc coi nhẹ pháp luật. Họ không những cố tăng tốc vượt xong cho qua nút giao khi chỉ còn mấy giây đèn xanh, mà còn chủ động vượt đèn đỏ khi vẫn còn mấy giây nữa mới hết. Thói quen và hành vi nguy hiểm này phổ biến tại nhiều thành phố lớn. Khi xung đột giao thông xảy ra ở cả hai chiều, với tốc độ cao, tai nạn sẽ khó tránh khỏi. Chính vì thế, đèn đếm ngược mặc dù đem lại một số tiện lợi cho người lái xe, nó không tăng độ an toàn, thậm chí còn có nguy cơ làm mất an toàn trong giao thông.
Nhưng không nên đổ tại ý thức, như tranh thủ vượt đèn đỏ, cố vượt đèn vàng, phóng nhanh lạng lách hay vượt ẩu, cho đó là nguyên nhân duy nhất dẫn đến tai nạn. Quan trọng hơn, là các cơ quan quản lý cần nghiên cứu áp dụng quy định, chế tài hợp lý, bỏ đi những thứ chưa hợp lý, đã lỗi thời để điều chỉnh hành vi của lái xe, tránh tạo điều kiện cho thói quen xấu nảy sinh.
Đèn đếm ngược đã hoàn thành nhiệm vụ ban đầu của nó, khi giao thông còn đơn sơ và công nghệ thông minh còn chưa phát triển. Đã đến lúc đèn đếm ngược cần được thay thế, góp phần chấm dứt chuyện "vượt đèn trước mũi ôtô".
Michael Nguyễn Minh