"Trong nớ bình an không?", tin nhắn từ bạn cùng quê, bạn học, người nhà dồn dập đổ về điện thoại Hoàng Nhung đêm 27/9. Cô sinh viên ở Đà Nẵng cũng như hàng triệu người trên dải đất miền Trung trải qua đêm khó ngủ trước giờ bão Noru đổ bộ. Cơn cuồng phong được giới chuyên gia nhận định "mạnh nhất 20 năm qua" áp sát bờ biển Đà Nẵng - Quảng Ngãi với gió cấp 12.
Vợ chồng chủ trọ nhắn tin, dặn người thuê từ giờ tới trưa không ra ngoài cho tới khi bão tan hẳn. Dãy trọ 8 phòng được xây kiên cố ngay trung tâm quận Thanh Khê nên Nhung không phải sơ tán. Song bạn học bên Cẩm Lệ, Ngũ Hành Sơn, trọ trong những khu nhà cấp bốn, mái tôn, đã sớm ôm quần áo đi trú nhờ khách sạn miễn phí, chờ bão tan.
"Ôi, nổi gió, nổi gió rồi", gần 23h, một loạt tin nhắn đến, lên khi thành phố đón thêm đợt mưa gió báo hiệu bão tiến vào. "Một chiếc thuyền mới chìm chỗ cầu Thuận Phước", "Chỗ tao, tôn nhà bên bay rồi"... Bạn bè Nhung cập nhật tình hình từng khu vực.
Trong con hẻm cuối tuyến đường ngay trung tâm quận Thanh Khê, Nhung khi ấy cảm nhận gió mạnh hơn nhiều lần so với buổi chiều, các mái tôn quanh xóm trọ thi nhau đập rầm rầm. Cánh cửa sổ dưới hầm để xe đã nẹp ba thanh thép vẫn rung lên từng hồi. "Khéo mấy cánh cửa không trụ được qua đêm nay", cô nói, báo tin tấm tôn lợp mái tum nhà bên vừa bay mất.
Bốn năm trọ học ở Đà Nẵng, đây lần thứ hai Nhung chứng kiến bão lớn trong đời. Lần đầu là khi bão Molave đổ bộ tháng 10/2020. Sau một đêm, cả thành phố xơ xác, cây cối đổ rạp, tôn bay khắp nơi... "Trải qua nhiều trận bão, nhưng mỗi năm thời tiết có vẻ càng dị thường, bão sau khủng khiếp hơn bão trước", cô nói.
Trụ sở Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam tại TP Tam Kỳ sáng đèn suốt đêm khi vừa là đầu mối trực bão, vừa là nơi sơ tán của 500 người dân xã Tam Thanh. Quá nửa đêm, nhiều người dân không ngủ, ngồi trước màn hình máy tính để xem tin tức cập nhật về bão.
Nhà bà Võ Thị Xuân có 5 thành viên thì bốn người đi sơ tán, chỉ con trai qua nhà hàng xóm trú nhờ để nếu có biến còn kịp chạy về cứu chiếc thuyền đi biển. Người phụ nữ 64 tuổi lo cho ngôi nhà cấp bốn cùng những tấm bằng liệt sĩ của chú, anh ruột, em ruột, mẹ chồng. Lúc chiều vội đi sơ tán, bà không kịp cất, giờ chỉ cầu khấn cho gió bão không cuốn bay.
Tay xách nách mang, gia đình chị Ngô Thị Lài có mười người, bốn thế hệ dắt díu lên đây từ 9h sáng 27/9. Cơn bão Molave hai năm trước đã thổi bay nóc căn nhà cấp bốn ven biển. Năm nay nghe bão mạnh hơn, cả nhà chị di tản từ sớm. Người chồng đi biển cũng vội về đoàn tụ gia đình từ ba ngày trước. Tất cả đều không ngủ, nằm nghe tiếng gió gào.
Cách đó gần 200 km, điểm trú bão ở trường THCS Thuận An, phường Thuận An, TP Huế sáng đèn suốt đêm. Bên ngoài tối mịt, mưa nặng hạt, gió rít liên hồi. Phía trong các phòng học làm nơi tránh trú, phụ nữ, người già ngồi xổm, ngó nghiêng ra ngoài quan sát hướng gió, vẻ mặt căng thẳng. Trên những chiếc chiếu trải giữa nền, lũ trẻ đã ngủ thiếp.
Ăn vội bát mì tôm, chị Kiều Diễm, trú phường Thuận An, nói chiều nay đã chằng néo nhà cửa, thu dọn đồ đạc đưa hai con đi tránh bão. Hối hả suốt ngày, chị quên cả đói, giờ mới kịp lót dạ. Ba mẹ con đi tránh trú, còn chồng ở lại nhà trông coi tài sản. Nghĩ đến chồng ở nhà một mình, Diễm không thể chợp mắt. Ít phút chị lại gọi điện về xem tình hình ở nhà, xác định "đêm nay thức trắng dù kiệt sức".
Nhiều người đang trú bão tại trường THCS Thuận An cũng chung tâm trạng với chị Diễm. Buổi chiều đi tránh bão vội, họ chưa kịp lùa hết đàn gà, vịt lên chỗ cao, sợ khi nước dâng chúng bị cuốn trôi, mất trắng.
Tại xóm Hương Giang, xã Hải Dương, nơi đang bị cô lập vì nước biển tràn qua bờ đê chắn sóng, anh Phan Một, 32 tuổi, đứng từ trong nhà nhìn ra mênh mông nước. Chốc chốc, anh lại ra hiên soi đèn theo dõi mực nước dâng, sợ tiếp tục mưa lớn sẽ ngập lụt kéo dài. Song người đàn ông đành bất lực khi trên đầu là bão, dưới chân là lũ tràn bờ đê.
"Cả nhà nhắc nhau đi ngủ lấy sức mai còn dọn dẹp sau bão, nhưng nào ai dám ngủ", anh nói, cho hay đã chuẩn bị tinh thần chạy lụt khi nước đã dâng đến nửa bắp chân và bắt đầu tràn vào nhà.
1h sáng 28/9, tâm bão Noru hoành hành ba tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi với sức gió 133 km/h (cấp 12). Nhiều nơi như Lý Sơn (Quảng Ngãi), một số khu vực trung tâm TP Huế, TP Đà Nẵng cắt điện.
Các chuyên gia đánh giá, Noru có hình thái tương tự bão Xangsane đổ bộ Đà Nẵng - Quảng Nam tháng 9/2006; bão Ketsana vào Quảng Nam - Quảng Ngãi cuối tháng 9/2009. Trung ương lên phương án sẵn sàng sơ tán hơn 868.000 dân. Tính đến chiều tối 27/9, các tỉnh từ Quảng Trị tới Bình Định, chính quyền sơ tán hơn 81.000 hộ dân với 253.000 người.
Nhóm phóng viên