Sáng 4/1, trình bày báo cáo của Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho hay toàn tuyến dài 2.063 km, trong đó đã đưa vào khai thác 478 km; đang đầu tư 829 km; còn lại 756 km chưa đầu tư.
Chính phủ đề nghị đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021-2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập. Đoạn còn lại 27 km gồm Hòa Liên - Túy Loan sẽ được triển khai theo dự án riêng; cầu Cần Thơ 2 được đầu tư sau năm 2025.
Dự án có quy mô 4 làn xe (rộng 17 m); tốc độ 100 - 120 km/h; tổng mức đầu tư khoảng 146.990 tỷ đồng.
Theo ông Thể, thực tiễn triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vì vậy, Chính phủ kiến nghị triển khai 12 dự án tiếp theo bằng hình thức đầu tư công; sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước. "Hình thức đầu tư PPP sẽ được nghiên cứu áp dụng tại các dự án có nhu cầu vấn tải lớn, khả thi về tài chính như tuyến cao tốc vành đai đô thị, cao tốc hướng tâm...", ông Thể nói.
Về lộ trình triển khai dự án, lãnh đạo ngành Giao thông cho hay nếu không phát sinh các tình huống phức tạp, đến năm 2025 có thể thông xe kỹ thuật toàn bộ các dự án thành phần, đưa vào khai thác một số đoạn; các đoạn phức tạp về kỹ thuật như có cầu, hầm lớn, xử lý đất yếu... sẽ đưa vào khai thác năm 2026.
Thẩm tra báo cáo nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định khả năng các ngân hàng thương mại cho nhà đầu tư vay vốn để thực hiện dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Vì vậy, việc Chính phủ đề xuất đầu tư công để năm 2025 cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam "là có cơ sở".
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất giải pháp hữu hiệu để huy động vốn ngoài nhà nước cho các dự án giao thông PPP đã được Quốc hội phân bổ vốn theo kế hoạch. Ngoài ra, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ hơn việc chỉ đề xuất đầu tư 729 km, còn lại 27 km sẽ đầu tư theo dự án riêng.
Theo ông Thanh, một số ý kiến đề nghị đầu tư dự án theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 24,75 m, bao gồm 2 làn dừng xe khẩn cấp (thay vì 17 m như Chính phủ đề xuất) để phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam về đường cao tốc, đồng thời bảo đảm hiệu quả trong việc khai thác, mở rộng về sau. Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng đầu tư dự án theo quy mô mặt đường 24,75 m sẽ cần phải bổ sung thêm khoảng 50.000 tỷ đồng trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn.
Trước hai nhóm ý kiến nêu trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ vấn đề.
Theo quy hoạch hướng tuyến, 81,5 km của dự án cao tốc đi trùng với đường Hồ Chí Minh. Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung, làm rõ phương án xử lý với các đoạn đi trùng để tránh ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân và hiệu quả của các dự án liên quan.
Về thu hồi vốn đầu tư, Chính phủ dự kiến sẽ thực hiện nhượng quyền thu phí các dự án thành phần. Tuy nhiên, cơ chế nhượng quyền thu phí, tổ chức thu phí dự án đường cao tốc do nhà nước đầu tư đến nay chưa được ban hành. Đồng thời, qua giám sát, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc thu phí tự động không dừng tại các dự án BOT còn nhiều bất cập. Chính phủ cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để khắc phục.
Liên quan tiến độ, cơ quan thẩm tra cho rằng, cần khoảng 3 năm để khởi công và khoảng 2 - 3 năm để thi công, khả năng đến năm 2026 mới hoàn thành toàn tuyến. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh lại tiến độ hoàn thành trong báo cáo trình Quốc hội.
Qua giám sát dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban Kinh tế cũng nhận thấy những khó khăn, vướng mắc về thiếu nguyên vật liệu, giá nguyên vật liệu tăng cao, bãi đổ thải... Cơ quan này đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp và chỉ đạo quyết liệt để xử lý những vấn đề nêu trên, tránh ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng dự án cao tốc giai đoạn tới.