Chính sách này được thực hiện từ năm 1993, sau đó điều chỉnh, mở rộng qua từng giai đoạn và hết năm 2020 không còn hiệu lực. Trong dự thảo về nghị quyết mới cho chính sách, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến để tiếp tục áp dụng thêm 10 năm, từ năm 2021 đến hết năm 2030.
5 nhóm đối tượng được đề xuất miễn thuế gồm toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm và diện tích đất làm muối; đất nông nghiệp giao cho hộ nghèo; đất giao cho hộ gia đình để sản xuất nông nghiệp, thành viên hợp tác xã; đất giao cho tổ chức đang trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp.
Riêng các tổ chức được giao đất nông nghiệp nhưng không sử dụng để sản xuất nông nghiệp mà giao tổ chức, cá nhân khác nhận thầu sẽ bị thu hồi. Trong thời gian Nhà nước chưa thu hồi thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất.
Theo Bộ Tài chính, nếu đề xuất miễn thuế trên được thực hiện thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn ước khoảng 7.500 tỷ đồng mỗi năm. Số tiền này sẽ tiếp tục hỗ trợ trực tiếp nông dân có thêm nguồn đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Bộ Tài chính cũng đánh giá, với doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn và đất đai là hai nguồn lực quan trọng nhất. Giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hiện cả nước chỉ có 8% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, trong khi tới 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, xét về mặt kinh tế thì miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là biện pháp khuyến nông thông qua thuế.
Nguyễn Hà