Đề xuất này được Bộ Y tế đưa vào dự thảo Đề cương Luật Dân số, đang lấy ý kiến để trình Chính phủ. Một trong những điểm nổi bật trong dự thảo là ưu tiên thực hiện các biện pháp khuyến khích vợ chồng sinh đủ hai con ở vùng có mức sinh thấp, trước thực trạng "ngại đẻ" của nhiều phụ nữ Việt.
Theo đó, Nhà nước hỗ trợ một lần bằng tiền ít nhất tương đương một lần mức lương tối thiểu vùng khi phụ nữ sinh con thứ nhất; tương đương hai lần mức lương tối thiểu vùng khi sinh con thứ hai.
Mức lương tối thiểu vùng đang được áp dụng cụ thể: Vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.
Trước đây, phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi ở tỉnh có mức sinh thấp được khen thưởng, hỗ trợ tiền hoặc hiện vật. Tuy nhiên, mức hỗ trợ căn cứ vào thực tiễn và quyết định, lựa chọn của địa phương.
Nay, nếu dự thảo được thông qua, khi sinh đủ hai con, phụ nữ tại các tỉnh vùng I mà có mức sinh thấp có thể được thưởng đến 8,84 triệu đồng.
Ngoài ra, vợ chồng cam kết sinh đủ hai con được Nhà nước hỗ trợ cho con của họ học tại cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học công lập; miễn học phí trung học cơ sở công lập.
Theo Bộ Y tế, 21 tỉnh, thành phố đang có mức sinh dưới 2 con, chiếm 39% quy mô dân số, đa phần là nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, 5 thành phố trực thuộc trung ương, đặc biệt TP HCM ở nhóm thấp nhất cả nước với mức sinh 1,3 con cho một phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Các tỉnh, thành có mức sinh thấp, gồm: TP HCM, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Khánh Hòa, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Sóc Trăng, Cà Mau, Đồng Nai, Bình Thuận, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Kiên Giang.
Xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Tâm lý "ngại đẻ" đang thách thức dân số Việt Nam. Tại một hội thảo về dân số mới đây, ông Mai Trung Sơn, Phó vụ trưởng Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, phân tích, kinh tế phát triển dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống theo trào lưu và tâm lý thích hưởng thụ có tác động nhất định khiến mức sinh thấp.
Việt Nam đang giữ tổng tỷ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) ở mức 2,1 con một mẹ. Đây là mức sinh thay thế cần thiết để duy trì dân số. Nếu mức sinh thấp hơn, dân số sẽ nhanh chóng bị "già hóa", tạo ra nhiều sức ép về các dịch vụ an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.
Thời gian qua, nhiều giải pháp được đề ra để duy trì mức sinh thay thế. Tổng cục Dân số đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến mục tiêu giảm sinh, sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; chú trọng các đối tượng ưu tiên, người lao động khu công nghiệp, khu kinh tế để khuyến khích sinh đủ hai con tại địa phương.
Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó khuyến khích nam nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con là lý tưởng nhất.