Sáng 29/10, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình Quốc hội dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sửa đổi Luật Đầu tư công lần này tăng phân cấp, phân quyền và tránh tạo cơ chế xin - cho và đùn đẩy trách nhiệm.
Một trong những điểm mới ở lần sửa đổi này là Chính phủ đề xuất Thủ tướng sẽ quyết chủ trương đầu tư dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng, thay vì Quốc hội như luật hiện hành.
Người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A dưới 10.000 tỷ đồng do cơ quan, tổ chức này quản lý. Chủ tịch tỉnh dự kiến được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và C do địa phương quản lý.
Tương ứng với thẩm quyền trên là việc tăng quy mô vốn dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B và C. Trong đó, tiêu chí vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia tăng 3 lần. Tiêu chí vốn với các dự án nhóm A, B, C tăng 2 lần so với quy định hiện hành.
Cụ thể, quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia tăng từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng. Dự án nhóm A trong lĩnh vực giao thông (cảng biển, đường sắt), điện, khai thác dầu khí... quy mô vốn tăng từ 2.300 tỷ lên 4.600 tỷ đồng. Quy mô dự án nhóm A lĩnh vực thủy lợi, cấp thoát nước tăng từ 1.500 tỷ lên 3.000 tỷ đồng...
Việc nâng quy mô dự án nhóm B và nhóm C cũng được áp dụng tương tự như dự án nhóm A.
Theo Luật Đầu tư công 2019, dự án nhóm A, B, C được phân loại theo tính chất quan trọng, tổng mức đầu tư và theo từng lĩnh vực cụ thể. Trong đó, nhóm C có mức đầu tư đến 120 tỷ; nhóm B đến 2.300 tỷ và nhóm A là các dự án ở một số lĩnh vực, có vốn đầu tư trên 2.300 tỷ.
Luật hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương dự án nhóm A, HĐND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C do địa phương quản lý. UBND các cấp (bao gồm cả cấp tỉnh) quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C khi được HĐND ủy quyền.
Nêu lý do đề xuất này, theo Bộ trưởng Dũng, quy mô vốn đầu tư công các dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B và C được giữ từ 2014 đến nay. Trong khi, hơn 20 năm qua, quy mô GDP tăng khoảng 2,5 lần, đạt trên 11,3 triệu tỷ đồng. Tổng chi ngân sách cũng tăng 2,9 lần, lên gần 2,3 triệu tỷ đồng.
Các yếu tố khác như mặt bằng giá, chi phí nhân công, định mức đầu tư xây dựng... đã tăng nhiều so với giai đoạn trước.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định phân cấp thẩm quyền gia hạn thời gian bố trí vốn cho các dự án đầu tư công. Theo đó, với các dự án nhóm A dưới 10.000 tỷ đồng; nhóm B và C thời hạn bố trí vốn tối đa là 1 năm. Nhóm A 10.000-30.000 tỷ đồng, thời gian bố trí vốn không quá 2 năm. Ngoài thời gian trên, Thủ tướng quyết định gia hạn thời gian bố trí vốn ngân sách trung ương.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh nói, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, C do địa phương quản lý là "thay đổi lớn". Bởi theo luật hiện hành, HĐND quyết định chủ trương đầu tư, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án. Ông Mạnh nói đây là biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền.
Vì thế, với sự thay đổi phân quyền tại dự thảo luật với dự án đầu tư công ở địa phương, Ủy ban Tài chính ngân sách đề nghị dự án nhóm A do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, còn UBND quyết định đầu tư dự án nhóm B, C.
Bên cạnh đó, với cấp huyện, cơ quan thẩm tra đề nghị HĐND cấp này là cơ quan quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, còn nhóm C do UBND cấp huyện quyết.
Về tăng quy mô các loại dự án đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng việc điều chỉnh cần được tính toán theo một tỷ lệ thống nhất giữa các loại dự án.
Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét thêm mức tăng quy mô vốn của các nhóm dự án so với quy định hiện hành để phù hợp với tăng trưởng GDP, năng lực quản lý dự án của các bộ, ngành, địa phương và chỉ số giá xây dựng quốc gia đã ban hành qua các năm.
Anh Minh