Văn bản kiến nghị tiếp tục thu phí tuyến cao tốc này đã được gửi đến Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục quản lý đường bộ IV (đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Trung Lương) cho biết, ngày 14/8.
Theo ông Thành, trong 8 tháng dừng thu phí, lượng ôtô trên cao tốc tăng đột biến, khoảng 31%, cao điểm trên 51.000 xe mỗi ngày đêm. Do lưu lượng xe đông nên vận tốc trung bình của ôtô trên cao tốc chỉ trên 60 km/h. Các xe chạy bát nháo, không giữ khoảng cách, tốc độ quy định. Số vụ tai nạn, nhất là ở làn dừng khẩn cấp tăng gấp 1,5 lần, hơn 10 vụ, trong đó có vụ chết người.
Ngoài ra, phần đường dẫn ở hai đầu cao tốc phía Chợ Đệm (TP HCM) và Thân Cửu Nghĩa (Tiền Giang) hiện xuống cấp. Trên mặt đường cao tốc đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún vệt bánh xe.
Hiện ngoài hệ thống camera giám sát của cục, còn có hệ thống camera của cảnh sát giao thông. Thời gian qua đã có nhiều vụ "phạt nguội" các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng cảnh sát giao thông trên cao tốc hiện còn mỏng, nên việc kiểm tra, xử lý còn nhiều khó khăn.
"Nhiều tài xế ý thức kém, thay vì nhường nhau họ lại chạy song song, chạy vào làn dừng khẩn cấp nên không đảm bảo an toàn. Vì vậy, cần tăng cường phạt nguội để răn đe và thu phí trở lại càng sớm càng tốt", ông Thành nói.
Cao tốc Trung Lương dài gần 62 km, 6 làn xe với vận tốc 120 km/h, thông xe năm 2010, là cao tốc đầu tiên tại miền Nam. Trên tuyến đường có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế dưới 30 tấn.
Từ năm 2012, cao tốc bắt đầu thu phí. Để ngân sách có ngay số tiền đầu tư phát triển tiếp cho các dự án đường cao tốc khác, sau đó Thủ tướng chấp thuận cho chủ đầu tư mở thầu đấu giá thu phí tuyến đường cao tốc này.
Đầu năm 2014, Công ty cổ phần tập đoàn Yên Khánh trúng đấu giá hơn 2.000 tỷ đồng, thời gian thu đến cuối năm 2018. Đầu tháng 1, cao tốc dừng thu phí.
Ngoài số tiền bán đấu giá, trong hai năm đầu thu phí, tuyến cao tốc này đã nộp ngân sách nhà nước khoảng 600 tỷ đồng, vẫn chưa đủ để hoàn trả vốn 9.880 tỷ đồng đã đầu tư xây dựng
Hoàng Nam