Tại phiên làm việc chiều 24/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói việc bổ sung vốn Nhà nước tại Vietcombank phù hợp với chiến lược phát triển và đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu tới 2025.
Vốn bổ sung cho Vietcombank là 20.700 tỷ đồng, dự kiến lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lãi còn lại năm 2021 của ngân hàng. Khoản tiền này gần bằng số lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm nay của nhà băng này.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, với nguồn lực được bổ sung, Vietcombank sẽ đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định, tăng tiềm lực và hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng đề xuất tăng vốn cho ngân hàng này bảo đảm cơ sở pháp lý và đúng thẩm quyền theo quy định.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ lấy ý kiến của cổ đông chiến lược nước ngoài Ngân hàng Mizuho Corporate Bank - đơn vị nắm 15% vốn điều lệ của Vietcombank. Việc này nhằm thuận lợi trong quá trình tăng vốn.
Cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, vốn điều lệ được tăng thêm cần sử dụng cho mở rộng kinh doanh, tăng tín dụng và các chính sách hỗ trợ kinh tế của ngân hàng này, thay vì đầu tư vào công nghệ thông tin và chuyển đổi số, lần lượt 9.526 tỷ và 17.155 tỷ đồng.
"Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động việc bổ sung vốn Nhà nước cho Vietcombank tới phát triển của ngành ngân hàng, hiệu quả kinh tế xã hội", ông Thanh nói.
Vietcombank là một trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, bên cạnh BIDV, VietinBank và Agribank. Lũy kế nửa đầu năm nay, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của nhà băng này đạt 20.835 tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ 2023. Với dữ liệu này, Vietcombank tiếp tục đứng đầu toàn hệ thống ngân hàng về lợi nhuận 6 tháng đầu năm. Đây cũng là mức lãi nửa đầu năm cao kỷ lục của nhà băng này.
Tính đến 30/6, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 3,6% so với cuối 2023. Trong đó, cho vay khách hàng gần 1,37 triệu tỷ đồng, tăng 7,8%.