Trong văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải cuối tuần qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đề xuất tăng giá nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị đăng kiểm và duy trì hoạt động ổn định của hệ thống.
Phương án tăng giá dựa trên sản lượng, tổng chi phí kiểm định của các đơn vị; xác định mức lợi nhuận tạm tính là 10% trên giá thành và thuế giá trị gia tăng 10% trên cơ sở giá thành cộng lợi nhuận dự kiến để xác định giá bán sản phẩm.
Để có cơ sở điều chỉnh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị lập phương án. Đến ngày 19/5, Cục nhận được 101 phương án giá từ 122 trung tâm đăng kiểm gửi về.
Qua rà soát, Cục đã loại bỏ giá kê khai chi phí quá cao nhưng không có thuyết minh chi tiết, lựa chọn 76 phương án đại diện cho 96 trung tâm làm cơ sở lập phương án đề xuất Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính xem xét.
Trường hợp in lại tem và giấy chứng nhận kiểm định đối với chủ xe bị mất tem, giấy chứng nhận hoặc xin lưu hành trở lại thì chi phí bằng 50% mức giá lập hồ sơ phương tiện.
Hồi tháng 3, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 02/2023 cho phép nhiều ôtô được miễn kiểm định lần đầu và kéo dài chu kỳ kiểm định. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, quy định trên đã tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên làm sụt giảm doanh thu của các đơn vị đăng kiểm khoảng 132 tỷ đồng, gây khó khăn cho hoạt động kiểm định xe.
Ngày 8/5, Văn phòng Chính phủ đã thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp rà soát dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 139/2018. Theo đó, Phó thủ tướng phân công Bộ Tài chính ban hành giá dịch vụ kiểm định trên cơ sở tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường. Bộ Tài chính sau đó đề nghị Bộ Giao thông Vận tải đánh giá tình hình, mức độ bù đắp chi phí của các mức giá dịch vụ kiểm định.