Ngày 30/8, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho hay, Cục Đường sắt đã trình Bộ quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, ngành đường sắt đề xuất thu xếp vốn để khởi công một số dự án quan trọng như đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, kết nối đến các cảng biển, thành phố lớn và thông suốt đường sắt liên vận quốc tế.
Trong 9 tuyến đường sắt mới được đề xuất quy hoạch, đáng chú ý là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, từ ga Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đến ga Thủ Thiêm, phường An Phú, quận 2, TP HCM. Tuyến đường sắt này là đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 1.559 km. Trước năm 2030 dự kiến đầu tư trước hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.
Hai tuyến đường sắt kéo dài đến cảng biển Quảng Ninh và Hải Phòng là tuyến Yên Viên - Lim - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân với khổ đường sắt đơn, khổ lồng 1.000 mm và 1.435 mm, dài khoảng 129 km; tuyến Hải Phòng - Lạch Huyện, từ ga Mạo Khê tới ga Dụ Nghĩa và tới cảng biển Đình Vũ, Lạch Huyện, dài khoảng 78 km.
Khu vực Hà Nội có tuyến vành đai phía Đông để kết nối tuyến Bắc Nam hiện có với các tuyến phía Bắc, kéo dài từ ga Ngọc Hồi - qua ga Lạc Đạo - đến ga Bắc Hồng với đường đôi, dài 59 km.
Miền Trung có tuyến Vũng Áng - Cha Lo (đèo Mụ Giạ, tỉnh Quảng Bình) kết nối với tuyến đường sắt Lào dài khoảng 119 km.
Ở phía Nam, tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu kéo dài từ ga Trảng Bom đến ga Vũng Tàu dài 84 km.
Tuyến TP HCM - Cần Thơ từ ga An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Cần Thơ, TP Cần Thơ với đường đôi, khổ 1.435 mm, dài khoảng 174 km.
Tuyến Dĩ An - Lộc Ninh từ ga Dĩ An đến biên giới Việt Nam - Campuchia (cửa khẩu Hoa Lư) dài 128 km.
TP HCM còn có tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành từ ga Thủ Thiêm đến ga Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với khổ đường đôi, dài 38 km.
Hiện nay, mạng đường sắt quốc gia có 7 tuyến vẫn được duy trì là Hà Nội - TP HCM, Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lạng Sơn, Kép (Bắc Giang) - Chí Linh (Hải Dương), Kép (Bắc Giang) - Lưu Xá (Thái Nguyên). Sau khi hoàn thành 9 tuyến đường sắt mới, mạng lưới đường săt quốc gia sẽ có 16 tuyến với tổng chiều dài 4.746 km.
Bên cạnh các tuyến chính, các tuyến nhánh hiện có vẫn được duy trì như Phố Lu - Xuân Giao, Mai Pha - Na Dương, Diêu Trì - Quy Nhơn, Bình Thuận - Phan Thiết để tăng cường kết nối, thu hút hành khách và hàng hóa cho các tuyến chính.
Đến 2030, ngành đường sắt đặt mục tiêu vận chuyển hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần 0,27%, vận chuyển hành khách đạt 460 triệu, chiếm thị phần 4,4%.
Để đạt được như vậy, nhu cầu vốn đầu tư dự kiến đến năm 2030 là 239.030 tỷ đồng, trong đó đường sắt tốc độc cao 112.325 tỷ đồng, đường sắt thường 126.705 tỷ đồng. Quỹ đất dành cho đường sắt năm 2030 khoảng 17.775 ha, chiếm 8% nhu cầu quỹ đất toàn ngành giao thông.
Với góc nhìn chuyên gia, GS Lã Ngọc Khuê (nguyên Thứ trưởng Giao thông Vận tải) cho rằng, chi phí logistics hiện nay quá lớn, lên đến 20% khiến chi phí sản xuất của nền kinh tế tăng cao. Để xóa điểm nghẽn lớn của nền kinh tế cần kéo giảm chi phí vận tải về mức trung bình của thế giới và đảm bảo đi lại của người dân an toàn, thông suốt.
Ông Khuê đề nghị mục tiêu tối thiểu của ngành đường sắt đến năm 2035 phải đạt thị phần vận tải mức 8-9% cả về hàng hóa và hành khách, kéo giảm chi phí logistic xuống dưới 15%, đường sắt đô thị đóng góp 12% nhu cầu đi lại giao thông công cộng tại các thành phố.
Trên trục dọc quốc gia, ông Khuê đề nghị cần tập trung nguồn lực xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao, khổ đường đôi. Đồng thời, khai thông tuyến Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân, mở tuyến Lào Cai - Yên Viên - Lạch Huyện, xây dựng ga trung chuyển hàng hóa ở Yên Viên... để phục vụ lưu thông hàng hóa.
Vùng đông Nam bộ cần mở tuyến Dĩ An - Cái Mép Thị Vải, xây dựng ga Dĩ An thành trung tâm tập kết, trung chuyển hàng hóa lớn toàn vùng.
Ông Khuê cũng lưu ý các tuyến đường sắt đầu tư mới đều cần khổ đường 1.435 mm để không chỉ đáp ứng nội bộ mà còn kết nối với thị trường quốc tế, đồng thời các cảng nước sâu phải có đường sắt song song và áp sát cầu tàu để giảm chi phí bốc xếp, góp phần kéo giảm chi phí logistic.
Đến năm 2050, ngành đường sắt đề xuất quy hoạch có 24 tuyến với tổng chiều
dài 6.313 km, tăng thêm 8 tuyến so với quy hoạch đến năm 2030.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được Bộ Giao thông Vận tải xem xét, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.