Sở Giao thông Vận tải vừa báo cáo UBND TP HCM về việc lập dự án thu phí ôtô vào khu trung tâm (quận 1, 3), sau khi Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD - nhà đầu tư) đề xuất bỏ kinh phí nghiên cứu, lập đề xuất dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Trước đó, đề xuất sơ bộ của ITD về dự án này, hệ thống thu phí sẽ được xây dựng bao quanh quận 1, 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng. Một trung tâm điều hành sẽ được xây dựng để xử lý thông tin, điều hành việc thu phí. Thời gian thu phí dự kiến áp dụng trong hai khung giờ cao điểm nêu trên, với mức phí thấp nhất 40.000 đồng cho ôtô con và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm cả ôtô biển xanh. Việc thu phí chỉ áp dụng với xe vào khu trung tâm.
Taxi đăng ký tại TP HCM sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng mỗi xe. Việc này giúp quản lý tốt hơn taxi tại thành phố, giảm ảnh hưởng từ sự phát triển quá nhanh của taxi công nghệ, taxi tỉnh thành khác hoạt động trên địa bàn.
Các mức phí như trên, đơn vị đề xuất lập dự án cho biết sẽ được cập nhật trong báo cáo nghiên cứu khả thi, do HĐND TP HCM thông qua. Xe buýt cùng các loại phương tiện thuộc nhóm ưu tiên như cứu hoả, cứu thương... được miễn phí.
Theo phương án thiết kế, hệ thống cổng thu phí sẽ bố trí trên vành đai gồm các tuyến đường: Hoàng Sa men theo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến đường Nguyễn Phúc Nguyên giao Cách Mạng Tháng 8 - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng. Một số cổng thu phí bố trí trên các đường thường ùn tắc như Trường Sơn, Cộng Hòa (quận Tân Bình). Các cổng thu phí sử dụng mặt đường, hè phố hiện hữu, không giải tỏa mặt bằng.
Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao) trong 10 năm, tổng kinh phí 2.274 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư ban đầu khoảng 478 tỷ đồng và tổng chi phí vận hành trong 10 năm gần 1.800 tỷ đồng. Nhà đầu tư tự thu xếp vốn để thực hiện dự án theo hợp đồng.
Nhà đầu tư đề xuất dự án sẽ thực hiện trong hơn 10 năm, đến 2032. Từ nay đến cuối năm 2021, nhà đầu tư sẽ triển khai các đầu việc như đề xuất đầu tư dự án, xin phê duyệt đề xuất. Qua năm 2022, dự án sẽ được lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xin chủ trương đầu tư, nghiên cứu khả thi dự án... Sau khi duyệt dự án PPP, thành phố sẽ công bố và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện.
Trước đó, hồi năm 2010 UBND TP HCM từng chấp thuận đề xuất của ITD về dự án tổ chức thu phí ôtô vào khu trung tâm. Năm 2011, đơn vị này hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi, nhưng sau đó dự án bị dừng do gặp nhiều ý kiến phản đối của chuyên gia, dư luận.
So với những nghiên cứu cũ, đề xuất mới không thay đổi nhiều về vành đai, phạm vi áp dụng, chỉ tăng mức thu phí. Phương án đưa ra năm 2011, ITD đề xuất 30.000 đồng một lượt đối với xe du lịch, 50.000 đồng với các loại xe còn lại và sẽ điều chỉnh tùy vào giờ cao điểm hay thấp điểm. Việc thu phí khi đó dự kiến áp dụng 6h-20h.
Hai năm trước, Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất đầu tư 34 cổng thu phí ôtô vào trung tâm, do Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn (hiện là Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị) làm chủ đầu tư, kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Đề xuất lần này của Sở Giao thông Vận tải cũng cơ bản dựa trên quan điểm của ITD trước đó.
Theo đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân trên địa bàn TP HCM, thu phí ôtô vào trung tâm là một trong nhiều giải pháp hạn chế xe cá nhân nhằm để giảm tình trạng ùn tắc. Song song giải pháp này, thành phố cũng tập trung phát triển giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Đến giữa tháng 9, TP HCM quản lý gần 8,4 triệu phương tiện, với hơn 806.000 ôtô và khoảng 7,6 triệu xe máy. So với cùng kỳ năm 2020, số lượng ôtô đăng ký mới tăng gần 3,8%, xe máy 3,3%. Trong đó, 9 tháng đầu năm nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 109 ôtô và 438 xe máy đăng ký mới.
Gia Minh