Ngày 27/3, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ phó Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nói dự thảo nghị định có nhiều điểm mới, trong đó lần đầu tiên đề xuất xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng.
Theo ông, hành vi đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình nhưng chưa đến mức hình sự (số tiền dưới 2 triệu đồng hoặc không gây hậu quả nghiêm trọng) thì bị cảnh cáo hoặc phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ban soạn thảo cũng đề xuất phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ nhưng chưa đến mức hình sự; mức phạt sẽ lên đến 50 triệu đồng đối với vi phạm có tổ chức, tái phạm hoặc lôi kéo, ép buộc người bị lệ thuộc vào mình về vật chất, tinh thần thực hiện vi phạm...
Với các hành vi trên, mức phạt sẽ từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng nếu cơ quan chức năng xác định có biểu hiện nhũng nhiễu; lợi dụng hoạt động từ thiện hoặc hoàn cảnh khó khăn của tổ chức, cá nhân khác để vi phạm; sau khi vi phạm thì trốn tránh, che giấu.
"Các mức phạt trên dựa theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng và nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi sẽ lắng nghe các góp ý để hoàn thiện dự thảo", ông Nguyễn Tuấn Anh nói.
Tiến sỹ Catherine Phuong, Trợ lý Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đánh giá, việc đề xuất xử phạt hành chính đối với hành vi tham nhũng là bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, dự thảo cần quy định cụ thể hơn, ví dụ thế nào là khoản thu lợi cá nhân, nhũng nhiễu..., từ đó để các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hành vi nào được phép hoặc không.
Cũng theo đại diện UNDP, "Thanh tra Chính phủ cần tham khảo các doanh nghiệp ngoài nhà nước, là một trong những diện chịu tác động của dự thảo nghị định để nhận được nhiều góp ý sát với thực tế hơn".
Ông Phạm Cung Hùng - Viện phó khoa học Thanh Tra Chính phủ cho rằng, cần tách riêng nội dung xử phạt hành chính trong một nghị định khác thay vì để chung trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng.
Dự thảo nghị định sẽ tiếp tục được sửa đổi và dự kiến có hiệu lực từ 1/7.
Theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, nhũng nhiễu là hành vi cửa quyền, hách dịch, đòi hỏi, gây khó khăn, phiền hà của người có chức vụ, quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ.