Đề xuất của ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau, nêu tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 27/9.
Ông Hải cho rằng cơ chế hiện nay giao Bộ Giao thông Vận tải quản lý, đầu tư và sửa chữa quốc lộ. Tuy vậy, trong thực tế nhiều quốc lộ đi qua các địa phương, nằm trong nội ô nhưng Bộ quản lý, địa phương không tham gia được. Điều này dẫn tới các tuyến đường nhanh xuống cấp, nhưng không được sửa chữa kịp thời gây tốn kém ngân sách.
"Chúng tôi kiến nghị giao tỉnh quản lý, duy tu, sửa chữa tuyến quốc lộ qua địa phương, nhưng đồng thời phải giao luôn nguồn lực", ông Hải nói.
Bí thư tỉnh Cà Mau cũng đề xuất nghiên cứu cơ chế đặc thù phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là nam sông Hậu. Vùng Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu là khu vực có nền đất thấp, vùng đất mới, phù sa nhiều nên suất đầu tư rất cao so với nơi khác.
"Nếu Trung ương phân bổ 100 tỷ đồng thì các địa phương làm được các dự án tương đối khá, nhưng phân cùng số vốn về cho chúng tôi thì tỉnh chỉ làm được khoảng một nửa vì nền đất yếu", ông Hải nói.
Đối với các dự án đã được xác định, ông Hải kiến nghị bộ, ngành Trung ương giải quyết các thủ tục đồng bộ và nhanh. Vì khi kéo dài thời gian sẽ lỡ cơ hội, khiến các nhà đầu tư không mặn mà.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Cà Mau nêu Trung ương cần có đề án tổng thể đầu tư công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Vừa qua các địa phương đầu tư theo kiểu chỗ nào sạt lở, lún nhiều mới lo giải quyết. Việc thiếu sự chủ động khiến sạt lở gây hại cho công trình rất lớn.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây là vùng cực nam của Tổ quốc, cầu nối của Việt Nam với các nước trong khu vực Asean, đặc biệt là tiểu vùng sông MeKong.
Giai đoạn vừa qua, cơ cấu kinh tế của vùng chuyển dịch tích cực, song vẫn tồn tại những thách thức, chưa phát huy hết thế mạnh cũng như đóng góp vào kết quả chung của cả nước còn hạn chế.
Từ đó, Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cùng địa phương nghiên cứu đề xuất bổ sung về thể chế, chính sách phát triển vùng, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định. Bên cạnh đó, các chính sách liên kết phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, nhất là liên quan phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển; nguồn nhân lực; ứng phó với biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Rộng hơn 40.000 km2, Đồng bằng sông Cửu Long chiếm gần 12% tổng diện tích cả nước, có 13 tỉnh thành, dân số hơn 21 triệu (năm 2019). Vùng đóng góp 50% sản lượng lương thực cả nước, trong đó chiếm trên 90% lượng gạo xuất khẩu, 60% thủy sản, 70% rau quả.
An Minh