Kết quả kiểm phiếu được công bố chiều nay, theo đó 85% đại biểu có mặt tại hội trường bỏ phiếu chấp thuận đề xuất miễn nhiệm ông Vương Đình Huệ, người đã chuyển sang làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ đầu năm nay. Quốc hội đã có nghị quyết chính thức về vấn đề này.
Ngay sau đó, vào lúc 15h20, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc tờ trình đề xuất Tổng Kiểm toán Nhà nước Đinh Tiến Dũng kế nhiệm chức danh Bộ trưởng Tài chính.
Quốc hội sẽ thảo luận về đề xuất này của Chính phủ trong ngày mai, nếu chấp thuận sẽ tiếp tục trải qua các thủ tục miễn nhiệm chức danh Tổng Kiểm toán, rồi bổ nhiệm chính thức ông Đinh Tiến Dũng vào vị trí Bộ trưởng Tài chính. Nhân sự mới cho chức danh Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ được Quốc hội bàn bạc. Ông Đinh Tiến Dũng (52 tuổi) được bổ nhiệm chức Tổng Kiểm toán Nhà nước từ tháng 8/2011.
Theo nhận xét của người đứng đầu Chính phủ, ông Đinh Tiến Dũng là cán bộ được đào tạo cơ bản, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong bộ máy nhà nước. "Trong quá trình công tác, ông Đinh Tiến Dũng luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực quản lý tài chính nhà nước", Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu.
Tại kỳ họp thứ 5 khóa XIII này, Quốc hội dành 3 ngày làm việc riêng, không có sự tham gia của báo chí, để bàn bạc về vấn đề nhân sự, bắt đầu từ sáng nay 23/5 cho tới hết sáng thứ bảy. Trong buổi sáng, sau khi nghe một số tờ trình liên quan đến dự thảo Luật Cư trú và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đọc tờ trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Tài chính với ông Vương Đình Huệ trước khi các đại biểu thảo luận tại đoàn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho hay, ngoài việc miễn nhiệm và bầu Bộ trưởng Tài chính, Quốc hội xem xét kiện toàn nhân sự cho một số chức danh khác có liên quan. Ông Vương Đình Huệ cũng xin phép không phát biểu tại hội trường về việc miễn nhiệm mà thực hiện theo quyết định của Quốc hội, ý kiến của Thủ tướng.
Trước đó, theo Nghị quyết Trung ương 5 và 6, khóa XI, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Ban Kinh tế trung ương, cùng với Ban Nội chính trung ương. Ông Vương Đình Huệ được phân công giữ chức Trưởng ban Kinh tế trung ương. Để tập trung cho công việc mới, kể từ đầu tháng 2/2013, ông Huệ đã tiến hành bàn giao lại công việc tại Bộ Tài chính. Theo phân công của Chính phủ, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách trực tiếp bộ từ đó đến nay, trước khi Quốc hội xem xét phê duyệt nhân sự thay thế chính thức.
Ông Vương Đình Huệ được Quốc hội khóa XIII giao trọng trách Bộ trưởng Tài chính tại kỳ họp thứ nhất, tháng 8/2011. Trước đó, ông từng có 5 năm giữ cương vị Tổng kiểm toán Nhà nước. Ông Huệ cũng được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Đại hội XI năm 2011.
Trong khoảng một năm rưỡi trên cương vị Bộ trưởng, ông Vương Đình Huệ đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động của ngành tài chính. Trong đó, ấn tượng nhất là tuyên bố điều hành giá xăng dầu "vì lợi ích của 80 triệu người dân" chỉ một tháng sau khi nhậm chức. Tuyên bố này cũng phần nào được ông thể hiện trong quá trình điều hành sau này, mặc dù vấn điều chỉnh giá bán lẻ trong nước còn nhiều bất cập do việc chậm sửa đổi Nghị định 84.
Nghe phát biểu của Bộ trưởng Vương Đình Huệ về điều hành xăng dầu |
- Bộ trưởng Tài chính nói về lỗ lãi của Petrolimex |
- "Kinh doanh xăng dầu không hiệu quả thì để người khác làm thay" |
Cùng với đó, vị Bộ trưởng sinh năm 1957 cũng được ghi nhận tích cực trong quá trình điều hành chính sách tài khóa khi đảm bảo được cân đối ngân sách trong bối cảnh nguồn thu khó khăn, nhưng vẫn phải đảm bảo các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và chống lạm phát trong 2 năm 2011 - 2012.
Trong khoảng thời gian này, Bộ Tài chính cũng có đóng góp lớn trong việc chủ trì, xây dựng đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài ra, bản thân ông Huệ cũng ghi nhiều dấn ấn với nhưng phát biểu trấn an, chỉ đạo thắt chặt các quy định quản lý để dần vực dậy thị trường chứng khoán.
Nguyễn Hưng - Thanh Bình