Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đang tổng hợp góp ý của các bộ ngành sau thời gian lấy ý kiến về đề xuất chi 6.000 tỷ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, duy trì việc làm cho lao động.
Dự kiến khoảng một triệu lao động trong doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đào tạo lại, chi phí 6 triệu đồng mỗi người. Các cơ quan như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội... đều đồng tình với chủ trương trên.
"Các bộ, ngành cơ bản đồng tình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, song đề nghị nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ để doanh nghiệp dễ tiếp cận gói đào tạo lại này", ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp, Cục Việc làm, cho biết.
![May mặc là một trong những ngành thấm đòn Covid-19 nặng nhất. Ảnh: Ngọc Thành](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/17/may2-5661-1615977858.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hdJmh7TJEy_apNqLwuUrWg)
Nữ công nhân một đơn vị sản xuất hàng dệt may tại Thái Nguyên. Ảnh: Ngọc Thành
Theo ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội, lẽ ra gói hỗ trợ đào tạo lại lao động "phải nên thực hiện từ năm ngoái", khi đại dịch bắt đầu tác động đến các doanh nghiệp trong nước. Bởi Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu là tiền của người lao động và chủ doanh nghiệp đóng góp vào. Trong thời điểm khó khăn, số tiền đó quay vòng về chia sẻ với doanh nghiệp để giữ việc làm cho người lao động là điều hợp lý.
Ủng hộ việc "nới rộng" điều kiện tiếp cận gói hỗ trợ nêu trên, ông Huân nói Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đừng nên đề ra các tiêu chí quá khắt khe, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận chính sách như gói 16.000 tỷ, để rồi sau đó nhiều lần phải đề xuất nới lỏng.
"Chính sách nên hướng đến các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, phải cắt giảm lao động hoặc đang có nhu cầu mở rộng sản xuất, nhất doanh nghiệp dệt may, da giày, chế biến thủy sản", ông Huân nói và cho rằng đơn vị xây dựng chính sách nên lắng nghe ý kiến của chủ doanh nghiệp, các nhà chuyên môn hoặc công đoàn, tiếp đến gặp các hiệp hội và cuối cùng mới đến tổng hợp góp ý của bộ ngành, thì "những tiêu chuẩn đặt ra mới trúng, đúng và áp dụng được".
Đánh giá về gói 6.000 tỷ đồng đào tạo lại lao động, ông Thân Đức Việt - Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, nói đại dịch còn tiếp diễn, chưa dự đoán được thời điểm kết thúc, nên chính sách hỗ trợ là cần thiết. Song nếu triển khai, nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể cho từng ngành nghề, vì mỗi ngành có đặc thù, chịu mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Theo ông Việt, Tổng công ty May 10 có 12.000 lao động trực thuộc và tại các đơn vị liên doanh liên kết. Do ảnh hưởng của Covid-19, thời gian qua doanh nghiệp đã phải bỏ chi phí ra đầu tư công nghệ, đào tạo lại công nhân, ngoài ra còn bù lương cho người lao động. Bởi vậy, doanh nghiệp cần hai khoản hỗ trợ gồm kinh phí để chuyển đổi và chi phí bù đắp cho giai đoạn đầu chuyển đổi (khoảng 3 tháng đầu), khi người lao động không đạt được năng suất như kế hoạch dẫn đến giảm thu nhập.
Với 4 tiêu chí của gói hỗ trợ, ông Việt nói nhiều doanh nghiệp sẽ khó chứng minh doanh thu tài chính giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019 dù "khó khăn là có thật". Bởi khi đại dịch mới tác động khoảng 1 - 2 tháng, các doanh nghiệp đã phải tự tìm cách chuyển đổi nhanh để cứu lấy mình, duy trì việc làm cho người lao động.
![Một doanh nghiệp may mặc ở Thái Nguyên đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang trong đợt Covid-19 hồi tháng 3/2020. Ảnh: Ngọc Thành](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/17/may1-7642-1615977858.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y_hi0KsboHLSoQe-Xj7sTQ)
Một doanh nghiệp may mặc ở Thái Nguyên đã nhanh chóng chuyển sang sản xuất khẩu trang trong đợt Covid-19 hồi tháng 3/2020. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần may Nam Hà, cho hay tháng 4/2020, khi cả nước cách ly xã hội cũng là lúc Công ty bắt đầu đào tạo lại người lao động với gần 500 công nhân chuyển từ sản xuất quần áo bơi - sản phẩm truyền thống, sang may khẩu trang. Cán bộ quản lý dự các khóa học trực tuyến. Người lao động được đào tạo tại chỗ để học thêm cách vận hành máy móc. Công ty hỗ trợ kinh phí và cử người kèm cặp, thậm chí trả thêm tiền lương sản phẩm để khuyến khích công nhân học công nghệ mới.
"Dù không phải cắt giảm lao động nhưng đại dịch đã khiến may Nam Hà giảm doanh thu khoảng 20%", ông Dũng nói và cho biết Công ty đáp ứng được 4 điều kiện của gói hỗ trợ và sẽ cân nhắc việc làm hồ sơ nếu chính sách được thông qua.
"Trước đây với gói 16.000 tỷ đồng, thấy quá nhiều điều kiện nên chúng tôi không làm hồ sơ để nhận hỗ trợ. Với gói hỗ trợ lần này, bước đầu thấy đáp ứng điều kiện song sau này nhận được hỗ trợ hay không lại là điều khó nói", ông Dũng chia sẻ thêm.
Theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp muốn hưởng gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng phải đáp ứng các điều kiện: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động liên tục 12 tháng trở lên; thay đổi cơ cấu công nghệ sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng của Covid-19; có báo cáo quyết toán tài chính của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ, trong đó thể hiện doanh thu bị giảm từ 20% trở lên so với cùng kỳ năm 2019.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có phương án cụ thể về việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Doanh nghiệp có nhu cầu gửi hồ sơ về Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định. Thời hạn áp dụng hỗ trợ dự kiến một năm kể từ ngày chính sách được ban hành.
Theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, mỗi tháng người lao động lẫn chủ sử dụng lao động đều phải đóng 1% tiền lương tháng tính đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Quỹ này hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nghề cho người lao động do chuyển đổi công nghệ. Song các điều kiện đặt ra khó tiếp cận khiến chưa doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện và được hưởng chế độ này. Cuối năm 2020, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp còn kết dư khoảng 84.000 tỷ đồng.
Hoàng Phương