Thông tin được ông Phạm Đức Nghiệm, Cục phó Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ (Natec) nói tại hội nghị "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu", do trường Đại học Bách khoa TP HCM tổ chức ngày 15/12.
Ông Nghiệm cho biết qua rà soát, hoạt động thương mại hóa nghiên cứu bị rào cản bởi 13 luật, quy định gây khó khăn trong chuyển giao kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách. Theo đó Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo Chính phủ, Quốc hội rà soát, phối hợp với bộ ngành liên quan điều chỉnh luật, tháo gỡ rào cản chính sách tạo điều kiện tốt nhất để kết quả nghiên cứu sau khi hoàn thành được chuyển giao cho doanh nghiệp ứng dụng.
Một trong những đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ là xây dựng cơ chế sandbox cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong đại học. "Đây là những thành tố trụ cột có vai trò nghiên cứu, giải mã công nghệ giúp doanh nghiệp ứng dụng vào thực tế sản xuất", ông nói.
Cho rằng khoa học công nghệ có sự thay đổi liên tục khiến chính sách luôn đi sau thực tiễn phát triển. Theo đó "cần có mô hình thử nghiệm chính sách khi các điều kiện, yêu cầu mới đặt ra", ông Nghiệm nói và cho biết thực tế nhiều nước đang triển khai như vậy.
Theo đề xuất của Bộ Khoa học và Công nghệ, cơ chế thử nghiệm có thể thực hiện như cho phép giảng viên được thành lập và điều hành mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường. Khi thương mại hóa thành công, nhà khoa học được hưởng lợi nhuận. Ngoài ra, cần có cơ chế giao ngân sách nghiên cứu để khuyến khích thương mại hóa, chuyển giao công nghệ của nhà khoa học...
Sandbox giúp nhà nước nhanh chóng kiến tạo các chính sách mới có tính chất vượt trội. Ông Nghiệm cho rằng, cần cho phép các đại học, viện nghiên cứu, địa phương, trong phạm vi của mình thử nghiệm các mô hình, chính sách mới. Trên cơ sở đó sẽ giúp các cơ quan nhà nước có thực tiễn, tổng kết lại khái quát thành chính sách sát thực tiễn hơn. Đây là một nội dung Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất với Chính phủ, Quốc hội cho phép một số đại học triển khai thí điểm cơ chế chính sách mới trong phạm vi nhà trường. "Sau 3 - 5 năm thử nghiệm sẽ tổng kết lại khái quát thành chính sách tạo điều kiện mới cho phát triển, nhân rộng mô hình thương mại hóa", ông Nghiệm nói.
TS Phạm Tấn Thi, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Dự án, Đại học Bách khoa TP HCM cho biết trong định hướng sắp tới nhà trường muốn trở thành đại học khởi nghiệp với việc phát triển các đề tài nghiên cứu thành tài sản trí tuệ, làm cơ sở thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp, spin-off. Muốn làm được cần có các điều kiện về khung pháp lý đồng bộ, nguồn lực chuyên gia, khả năng cải thiện trình độ công nghệ đáp ứng yêu cầu xã hội, hình thành văn hóa khởi nghiệp... Ông cho rằng, nhà trường cần hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp hiệu quả để làm tốt việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Ông Huỳnh Văn Đồng, Giám đốc công ty FYN cũng đề xuất nhà trường cần có sự gắn kết với doanh nghiệp theo hướng nhà khoa học phải "ăn ngủ" với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để có cách tiếp cận thực tế từ thực tiễn. Ông cho rằng, kết quả nghiên cứu cần hướng đến giải pháp tối ưu hóa tất cả các công đoạn sản xuất của nhà máy và đáp ứng các yêu cầu khác như khả năng chuyển đổi linh hoạt, dễ triển khai, chi phí thấp và hiệu quả, tính ổn định...
Giai đoạn 2011 - 2020 hoạt động thương mại hóa và phát triển thị trường công nghệ đạt khoảng 20,3%. Riêng lĩnh vực viễn thông, dệt may, cơ khí chế tạo... tăng trưởng ở mức ba con số. Trên hệ thống đăng ký doanh nghiệp có hơn 41.000 đơn vị có dịch vụ tư vấn kết nối chuyển giao công nghệ. Điều này trái ngược với giai đoạn trước 2015, cơ bản các hoạt động môi giới tư vấn chuyển giao công nghệ là tổ chức công lập. Theo lãnh đạo NATEC, những kết quả cho thấy thị trường khoa học công nghệ có bước phát triển khi nhiều kết quả nghiên cứu được đưa vào sản xuất, tạo năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.
Hà An