Ngày 5/6, Chính phủ sẽ trình Quốc hội dự thảo Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi). Điểm mới ở dự thảo này là bổ sung quy định tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.
Theo đó, nhà băng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ. Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các nhà băng khác.
Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉ áp dụng khoản vay đặc biệt với ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ, tức không đồng ý các trường hợp còn lại.
Cơ quan thẩm tra cho rằng vốn của khoản vay đặc biệt không phải từ ngân sách nhưng trong trường hợp huy động nguồn từ Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam sẽ ảnh hưởng tới quyền lợi các hội viên do đây là nguồn thu từ đóng phí, đóng quỹ của họ.
Ủy ban Kinh tế đồng thời không đồng ý về quy định cơ chế xử lý rủi ro khi huy động vốn từ Bảo hiểm tiền gửi và Ngân hàng Hợp tác xã cho khoản vay đặc biệt. Bởi quy định như vậy là không hợp lý, không đảm bảo nguyên tắc kế toán cũng như không rõ trách nhiệm thu hồi khoản vay của các chủ thể cho vay.
"Nguồn vốn của hai cơ quan này không nên được dùng cho mục đích khác, như với Bảo hiểm tiền gửi là chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ", cơ quan thẩm tra nêu.
Cũng theo Ủy ban Kinh tế, cho vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay. Nhiều ý kiến đề nghị cân nhắc việc bổ sung quy định khoản vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo, do về nguyên tắc các tổ chức tín dụng phải bảo đảm khả năng thanh toán, và làm rõ trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay này.
Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ cơ sở đề xuất biện pháp chỉ định cho vay đặc biệt, đánh giá tác động việc cho vay này với các tổ chức tín dụng được chỉ định. Trường hợp chỉ định một số ngân hàng cho vay đặc biệt, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ căn cứ lựa chọn, phân bổ số tiền cho vay.
Dẫn ý kiến của Ngân hàng Thế giới (WB), cơ quan thẩm tra cho hay tổ chức này nhận định quy định về chỉ định cho vay đặc biệt có thể tiềm ẩn nguy cơ với ổn định tài chính, tiềm ẩn rủi ro cao với tình hình tài chính của Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các tổ chức cho vay khác và rủi lo lây lan từ ngân hàng này sang nhà băng khác. Ngoài ra, WB cũng lo ngại về rủi ro đạo đức trong các ngân hàng, tức là khi cung cấp các khoản cho vay đặc biệt có thể gây ra hành vi chấp nhận rủi ro cao hơn của các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng.
Cơ quan thẩm tra cũng thấy rằng các biện pháp nêu tại dự thảo chỉ gồm các hỗ trợ từ bên ngoài, chủ yếu từ Ngân hàng Nhà nước, mà chưa có biện pháp tự thân của các ngân hàng để nhanh chóng khắc phục tình trạng rút tiền hàng loạt. Sự cố này cần xử lý khẩn trương, nên cơ quan này đề nghị rà soát lại các quy định liên quan đến các biện pháp can thiệp sớm và biện pháp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt để đưa ra quy định cụ thể hơn trong trường hợp ngân hàng bị rút tiền hàng loạt.