Phát biểu tại hội thảo Smart City 360 độ mới diễn ra tại TP HCM, Tiến sĩ Nguyễn Trọng - nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin, Cố vấn Hội tin học TP HCM cho rằng, cần phân biệt rõ khái niệm thành phố hiện đại và thành phố thông minh.
Thế giới có nhiều thành phố hiện đại, tập trung ở các nước phát triển. Các thành phố này ứng dụng công nghệ thông tin để tối ưu hóa các dịch vụ công. Tuy nhiên, chưa thành phố nào, dù hiện đại đến đâu tự nhận đã trở thành thành phố thông minh. Hầu hết thành phố đang ở trong quá trình xây dựng.
Chuyên gia này cho rằng, việc hoàn thiện chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa năng suất dịch vụ công và tạo sự thuận lợi cho người dân là điều hiển nhiên của thành phố hiện đại.
Thành phố thông minh bao gồm yếu tố này nhưng còn phải là nơi có những dịch vụ thông minh mới mà người dân sẵn sàng trả thêm tiền khi sử dụng. Những tiện ích mới có thể hình thành bằng cách chính quyền ra đề bài để doanh nghiệp đấu thầu thực hiện.
Tiến sĩ Nguyễn Trọng nêu ví dụ, với một hệ thống dẫn đường thông minh với bản đồ báo các điểm kẹt xe theo thời gian thực và gợi ý lộ trình, doanh nghiệp đầu tư sau hai năm là có thể bắt đầu kiếm lãi.
“Một công nghệ như vậy theo tôi tính toán là mất 10 triệu đôla để đầu tư. Vận hành nó hàng tháng mất khoảng 1 triệu đôla. Trong hai năm, khoản đầu tư này tiêu tốn 34 triệu đôla nhưng trong hai năm có thể hòa vốn. Lý do là các lái xe sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra để dùng tiện ích này. Với khoảng 100.000 ôtô ở TP HCM chấp nhận trả 10.000 đồng một giờ dùng thông tin thì một ngày đã có thể thu được 1 tỷ đồng”, vị chuyên gia phân tích.
Không chỉ TP HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng, hàng loạt địa phương khác như Đà Lạt, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Phú Quốc... cũng đang lên kế hoạch xây dựng thành phố thông minh. Đề án xây dựng đô thị thông minh của TP HCM giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2025 đặt mục tiêu hình thành chính quyền thông minh, công dân thông minh, doanh nghiệp thông minh và dịch vụ thông minh.
“Hiện nay, đề án này đang được các sở ban ngành đóng góp ý kiến. Theo cá nhân tôi, chúng ta đang thiên về xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Còn vấn đề xã hội, dân trí, đạo đức, lối sống của người dân thì chưa đào sâu để xây dựng cho phù hợp”, GS.TS. Nguyễn Kỳ Phùng - Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TP HCM, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán, cho biết.
Hiện tại, mỗi địa phương tự định nghĩa và xây dựng đô thị thông minh theo các hình mẫu khác nhau. Ví dụ như Đà Nẵng tham khảo mô hình thành phố thông minh của Barcelona (Tây Ban Nha) hay Bình Dương lại học kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh từ Hà Lan.
Trong đó, Đà Nẵng tập trung vào mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử và xây dựng thành phố 4 “an” (an ninh trật tư, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm và an ninh xã hội). Tiến sĩ Nguyễn Quang Thanh – Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Đà Nẵng chia sẻ, để thực hiện được mục tiêu này thì cần có 4 chữ L là "lãnh đạo, lực, liên kết và lâu dài".
Riêng tại TP HCM, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) hiện đang triển khai một mô hình đô thị thông minh trong nội khu. QTSC tập trung vào 3 bước gồm: xây dựng và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin các hoạt động quản lý, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng trên nền tảng số hóa; kết nối các ứng dụng công nghệ, dữ liệu trên cùng một nền tảng chung; chia sẻ, phân tích, khai thác dữ liệu và dự báo các diễn biến trong tương lai để hoạch định các chính sách phát triển.
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC cho hay, mô hình này đã giúp công viên giảm thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ 2 ngày xuống 2 phút, giảm chi phí chuyển thông tin từ 15.000 đồng còn 3.000 đồng. Trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, đơn vị tiết kiệm 35% điện năng tiêu thụ.
Đơn vị này quản lý được 11 thông số nước thải đầu ra theo thời gian thực và cảnh báo tức thời khi có thông số vượt ngưỡng quy định. Công viên còn có ứng dụng chia sẻ xe đạp để rút ngắn thời gian di chuyển giữa các vị trí. Hệ thống an ninh có thể phát hiện biển số xe trong trường hợp phá rối, gây mất an ninh và chuyển giao cho công an phường xử lý.
Viễn Thông