Thảo luận tình hình kinh tế - xã hội chiều 8/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu Trung ương, đề cập đến nay cả nước đã có 22.500 người tử vong do Covid-19. "Mất mát này hết sức to lớn", ông nói.
Vì vậy, ông đề nghị Quốc hội cho phép tổ chức một ngày quốc tang những người đã mất vì covid-19; trên thế giới một số nước đã thực hiện việc này. Ông Trí nêu ba lý do cho đề xuất nêu trên.
Thứ nhất, số người mất vì dịch bệnh vừa qua là rất lớn, đất nước cần tổ chức quốc tang. Điều này cũng phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị vào năm 2011, "đồng ý tổ chức quốc tang trong trường hợp thiên tai, địch họa đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tính mạng, của cải của nhân dân".
Thứ hai, hầu hết những người mất vì dịch bệnh đều phải ra đi trong đau đớn, xa cách người thân, và vì dịch bệnh nên không được tổ chức mai táng chu toàn. "Vì vậy dành cho họ ngày quốc tang là rất nhân văn, đúng với đạo lý người Việt Nam", ông Trí nói.
Thứ ba, dành ngày Quốc tang cho những người đã mất để nhắc nhở những người đang sống tuyệt đối không được lơ là việc phòng chống dịch, "để chúng ta đồng lòng, quyết tâm hơn trong cuộc chiến chống Covid cam go và phức tạp".
"Rất mong Chính phủ lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức ngày quốc tang cho những nạn nhân đã mất vì dịch bệnh", GS Nguyễn Anh Trí nêu đề xuất.
Chung ý tưởng, ông Nguyễn Hữu Thông (Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Bình Thuận), đề nghị tổ chức ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19. "Tôi đề xuất lấy ngày 27/4, là ngày bùng phát dịch lần thứ tư gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và sinh mạng của người dân", ông nói.
Nhìn lại chặng đường chống dịch vừa qua, đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nhận định tính liên kết vùng lỏng lẻo thể hiện rất rõ ràng. "Điều này đã gây ra sự lúng túng của các địa phương ở cả hai vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đồng bằng sông Cửu Long, để lại cho chúng ta bài học sâu sắc", ông Sơn nói.
Theo ông, nếu các địa phương được liên kết chặt chẽ với nền tảng là sự chia sẻ, điều phối nhân lực, tài lực thì việc ứng phó dịch bệnh sẽ bớt đi các tình huống không đáng có.
"Giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, nhiều nơi ngăn sông, cấm chợ để bảo vệ người dân. Trong bối cảnh đó, nếu có sự liên kết vùng chặt chẽ, không lý gì chúng ta không hình thành các vùng xanh liên kết cho hàng hóa, chăm sóc y tế", ông Sơn nêu ý kiến.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách) nêu ba vấn đề lớn thời gian tới.
Thứ nhất, về ngân sách, bà cho biết trong báo cáo của Chính phủ nêu giải pháp hạn chế tối đa việc lồng ghép các chính sách xã hội trong chính sách thuế; điều đó có nghĩa 3 năm tới đây sẽ hạn chế tối đa việc miễn giảm thuế.
"Cần hết sức cân nhắc giải pháp trên", bà Mai nói. Theo bà, tính trung lập của thuế là cần thiết nhưng trong bối cảnh hiện nay khó khả thi, vì kể cả khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh thì những hệ quả còn kéo dài những năm tiếp theo. Hơn nữa, căn cứ vào tình hình thực tế ba năm qua, việc miễn giảm thuế đã được áp dụng liên tục như giải pháp hữu hiệu. Năm 2022, nhiều ý kiến đề xuất tiếp tục áp dụng chính sách miễn giảm thuế và nếu tới đây Quốc hội ban hành gói kích thích phục hồi kinh tế cũng có thể sẽ bao gồm cả chính sách này.
"Hiện nay chúng ta nên theo đuổi chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua việc khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh. Điều đó cần thiết và hợp lý hơn là chinh sách tận thu", bà Mai phát biểu.
Thứ hai bà Mai trăn trở là khoảng cách giàu nghèo hiện nay. Bà nói, đã hai năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát và cũng từ đó kế sinh nhai, việc làm của nhóm nghèo nhất xã hội bị ảnh hưởng. Theo báo cáo của Chính phủ, nhóm bị tổn thương nhiều nhất bởi dịch bệnh là nhóm nghèo nhất. Đánh giá của Ngân hàng thế giới cho thấy tình trạng kiệt quệ về tài chính, khoảng cách giàu nghèo sẽ còn gia tăng nếu không có giải pháp hữu hiệu. Theo báo cáo của tổng cục thống kê, năm 2016 khoảng cách thu nhập giữa nhóm cao nhất và thấp nhất là 9,8 lần; năm 2019 tăng lên 10,2 lần; năm 2020 giảm còn 8 lần.
"Cần khảo sát thật chính xác thực trạng xã hội để nhìn thấy rõ nhất khó khăn mà người dân đang đối mặt. Các gói an sinh xã hội với với mức hỗ trợ vài triệu đồng một người mang ý nghĩa động viên rất lớn. Tuy nhiên đó chỉ là giải pháp tình thế, không phải căn cơ lâu dài. Chỉ khi có giải pháp hữu hiệu phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động thì chúng ta mới có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Thứ ba, bà Mai nêu vấn đề thể chế pháp luật, bởi qua dịch bệnh đã bộc lộ những thiếu hụt về quy định pháp lý; có những tình huống không đủ căn cứ pháp lý để xử lý, dẫn đến áp dụng tùy tiện, thiếu thống nhất. Vì vậy, bà cho rằng cần rà soát tổng thể để có khuôn khổ pháp lý vững chắc, mang tính dự báo cao.