"Công nghệ bây giờ rất đáng tin cậy. Chẳng lẽ không máy bay nào có thể bay và ném bom chuyển hướng dòng dung nham ư? Ý tưởng này nghe có vẻ điên rồ nhưng nhìn từ góc độ công nghệ, tôi cho rằng đáng để thử", Casimiro Curbelo, Chủ tịch hội đồng thành phố Laomera, hòn đảo lân cận La Palma, hôm 27/10 nói.
Núi lửa Cumbre Vieja trên đảo La Palma bước sang ngày phun trào thứ 38, tàn phá hòn đảo thuộc quần đảo Canary, cộng đồng tự trị của Tây Ban Nha, phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà, dung nham bao phủ diện tích 900 hecta, khiến 7.000 người phải sơ tán.
Miệng trong của núi lửa Cumbre Vieja trên La Palma sụp xuống hôm 26/10 đẩy lượng khí thải lớn hơn thoát ra từ ống phun chính. Dung nham tiếp tục chảy về phía tây hòn đảo xuống Đại Tây Dương, chạm tới mặt nước ở một số khu vực. Các nhà địa chấn học cũng ghi nhận một trận động đất 4,8 độ hôm 26/10 tại La Gomera và Tenerife, các đảo gần La Palma.
Ý tưởng sử dụng chất nổ làm chuyển hướng dòng dung nham từng được sử dụng. Năm 1935, quân đội Mỹ từng ném bom xuống dòng dung nham phun trào từ núi lửa Manua Loa ở Hawaii khi vụ phun trào đe dọa phá hủy thị trấn Hilo.
Dung nham ngừng chảy khoảng một tuần sau chiến dịch ném bom, điều mà các nhà nghiên cứu núi lửa đã yêu cầu thả bom coi là bằng chứng nhiệm vụ thành công.
Nhưng phi công và các nhà địa chất học khác bày tỏ hoài nghi. Thực tế, dung nham của núi lửa dường như đã giảm và vụ ném bom xảy ra đúng thời điểm đó một cách ngẫu nhiên, giải thích lý do dung nham ngừng chảy. Việc sử dụng chất nổ chuyển hướng dung nham cũng từng được thử nghiệm ở đảo Sicily của Italy khi núi lửa Etna phun trào.
Hồng Hạnh (Theo Newsweek)