"Dòng dung nham đã tràn ra biển ở Playa Nueva", Viện Núi lửa Quần đảo Canary (Involcan) đăng Twitter tối 28/9. Video ghi lại cảnh tượng này cho thấy những tiếng nổ nhỏ và khói trắng bốc lên khi dòng dung nham đỏ rực đổ ào xuống mặt nước.
Núi lửa La Cumbre Vieja, nằm trên sườn núi phía nam La Palma, một hòn đảo với 85.000 cư dân, phun trào lần đầu hôm 19/9, tạo ra những dòng sông dung nham từ từ hướng ra biển. Chính quyền khu vực của quần đảo Canary đã tuyên bố vùng cấm hai hải lý quanh nơi dung nham đổ vào Đại Tây Dương.
Cư dân một số khu vực của Tazacorte, ngôi làng gần bờ biển, cũng được yêu cầu ở nhà để tránh tác hại từ khí độc có thể xảy ra do phản ứng giữa dung nham nóng chảy và nước biển.
Vài giờ trước khi đổ ra biển, dòng dung nham di chuyển chậm, thậm chí có lúc dừng lại và cách bờ biển khoảng 800 m. Người dân được cảnh báo ở nhà do "khả năng sẽ có chấn động nhỏ khi dung nham hòa vào nước biển, có thể tạo ra khí độc", Miguel Angel Morcuende, giám đốc kỹ thuật Kế hoạch Khẩn cấp Núi lửa Quần đảo Canary nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho biết dung nham tương tác với nước biển sẽ tạo ra các đám mây khí độc trong không khí, gây ra các vụ nổ và đá nóng chảy vỡ ra như tiếng súng.
"Hít phải hoặc tiếp xúc với khí và chất lỏng axit có thể gây kích ứng da, mắt, đường hô hấp, và có thể gây khó thở, đặc biệt ở những người có bệnh nền hô hấp", Involcan cảnh báo.
Tình trạng thiên tai đã được ban bố trên hòn đảo, nơi đá nóng chảy hiện thiêu rụi hơn 258 ha đất và phá hủy 589 tài sản, gồm nhà cửa, theo Chương trình Quan sát Trái Đất Copernicus của Liên minh châu Âu (EU).
Chính phủ Tây Ban Nha đã viện trợ 10,5 triệu euro (12,3 triệu USD) cho người dân bị ảnh hưởng, đặc biệt để mua nhà ở cho những người mất nhà cửa.
Vụ phun trào đã buộc hơn 6.000 người phải sơ tán và chưa xảy ra thương vong. Người dân đảo La Palma sống chủ yếu bằng nghề trồng chuối và du lịch.
Huyền Lê (Theo AFP, BBC)