So với dự thảo được Bộ Tài chính trình xin ý kiến cách đây ít ngày, dự thảo lần này đã bổ sung các đối tượng doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong một số lĩnh vực khác. Cụ thể như sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm và một số ngành sản xuất, lĩnh vực kinh doanh khác vào danh sách nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất do chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài vào nhóm đối tượng thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch.
Với những nhóm đối tượng, ngành nghề mới bổ sung, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn lên khoảng 180.000 tỷ đồng, tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ tại tờ trình trước đó, và gấp 6 lần số tiền gia hạn dự tính ban đầu là 30.000 tỷ đồng.
Nhóm ngành sản xuất, lĩnh vực kinh doanh mới bổ sung vào đối tượng được gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất bao gồm:
Ngành sản xuất | Lĩnh vực kinh doanh |
Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan | Hoạt động kinh doanh bất động sản |
Chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa | Hoạt động dịch vụ lao động và việc làm |
Sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện | Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng |
Sản xuất kim loại, gia công cơ khí | Hoạt động vui chơi giải trí |
Xử lý và tráng phủ kim loại | Các hoạt động văn hóa khác |
Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác | |
Xây dựng | |
Sản xuất xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống | |
Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế |
Đề xuất mới này diễn ra sau khi Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và nhiều hiệp hội khác gửi kiến nghị tới Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế, xin cân nhắc việc giãn, giảm thuế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực của mình.
Hoàng Thắng