Ngày 23/3, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, cho biết cơ cấu Quốc hội khóa XV dự kiến tỷ lệ đại biểu chuyên trách tăng từ ít nhất 35% lên 40% (trong tổng số 500 đại biểu), tương đương 200 người. Tuy nhiên đến nay số ứng cử viên được giới thiệu vẫn thiếu so với dự kiến này.
Theo quy định, đại biểu Quốc hội chuyên trách phải đáp ứng nhiều điều kiện, tiêu chuẩn, trong đó có độ tuổi; trường hợp tái cử phải còn đủ tuổi công tác ít nhất 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên tính đến tháng 5/2021.
Để đáp ứng yêu cầu tăng số lượng, chất lượng đại biểu chuyên trách, huy động sự đóng góp của những người giàu kinh nghiệm hoạt động nghị trường cũng như các chuyên gia, "các Ủy ban của Quốc hội đã đề xuất một số nhân sự thuộc trường hợp đặc biệt, dù đã quá tuổi công tác, vẫn tham gia tái ứng cử Quốc hội khóa mới", theo ông Tuấn Anh.
Phó ban Công tác đại biểu lấy ví dụ, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đề xuất "trường hợp đặc biệt" là Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi (62 tuổi), Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Phó ban Lưu Bình Nhưỡng (58 tuổi)...
"Đây là các đại biểu dù quá tuổi tái cử, nhưng có nhiều năm công tác và tâm huyết với Quốc hội", ông Tuấn Anh nói và cho biết các "trường hợp đặc biệt" được Ban công tác đại biểu tập hợp danh sách để trình cấp có thẩm quyền xem xét. "Đến nay chúng tôi chưa nhận được thông báo cụ thể về các đề xuất này", ông Tuấn Anh nói thêm.
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trong 205 người được các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử Quốc hội khóa XV, số Giáo sư, Phó giáo sư là 16 (chiếm 7,8%), tiến sĩ 63 (30,7%); thạc sĩ là 94 (45,8%), còn lại đều có trình độ đại học... "Như vậy chất lượng các ứng viên được khối cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử rất cao", ông Phúc nói.
Ngày 23/5, công dân từ 18 tuổi trên cả nước sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.