Chiều 8/7, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cho doanh nghiệp triển khai Đề án cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt có sức chứa nhỏ tích hợp ứng dụng công nghệ.
Ôtô sử dụng là loại dưới 17 chỗ, không có chỗ đứng, giá vé 30.000-40.000 đồng trong giờ cao điểm; 10.000-30.000 đồng giờ thấp điểm.
Doanh nghiệp dùng phần mềm Godee cài trên điện thoại di động để cung cấp dịch vụ bán vé. Khách hàng chủ động chọn giờ đi và đặt ghế ngồi; thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng, thẻ ATM nội địa và ví điện tử).
Các tuyến buýt này hoạt động giữa các khu đô thị mới, khu công nghiệp, đầu mối giao thông trên địa bàn thành phố, kết nối với các tuyến vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và các tuyến xe buýt khác.
Các tuyến dự kiến triển khai gồm: H1 dài 20 km (nối các quận 7, 1, 2) có điểm đầu là chung cư Belleza, điểm cuối là Vinhomes Central Park với 22 điểm dừng; H2 dài 12 km (kết nối quận 2 và 1) có điểm đầu tại Diamond Plaza, điểm cuối là chung cư The Vista với 10 điểm dừng; H3 (nối quận 2 và 1) dài 12 km, điểm đầu tại chung cư Fideoco Riverview, kết thúc ở toà nhà Vietcombank Tower với 13 điểm dừng.
Tuyến H4 (nối huyện Nhà Bè đến quận 1) dài 15 km, điểm đầu ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn, điểm cuối tại chung cư The Park Residence với 18 điểm dừng; H5 kết nối Cát Lái (quận 2) đến quận 1 dài 18 km, điểm đầu tại Hồ Con Rùa (quận 3), điểm cuối ở khu đô thị Ventura Cát Lái với 17 điểm dừng.
H7 (kết nối quận 9 đến quận 1) dài 24 km, điểm đầu từ Hồ Con Rùa, điểm cuối tại Khu phức hợp The Park Residence với 21 điểm dừng.
Sở Giao thông Vận tải đánh giá, đề án phù hợp với hoạt động ở những khu vực hạn chế về hạ tầng giao thông, các khu dân cư nội bộ và đa dạng hoá đoàn phương tiện. Việc doanh nghiệp đề xuất mở các tuyến buýt hoạt động không trợ giá từ ngân sách cũng phù hợp với chủ trương huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển giao thông vận tải công cộng, kéo giảm ùn tắc, tai nạn giao thông.
Theo Sở, giá vé doanh nghiệp đề xuất cũng đảm bảo tính cạnh tranh, không ảnh hưởng đến các tuyến buýt hiện hữu mà còn giúp tăng kết nối và mở rộng độ bao phủ của mạng lưới xe buýt thành phố. Hiện, đa số các tuyến đường đều nhỏ hẹp, xe buýt thường khó kết nối nhiều khu dân cư, khu đô thị vệ tinh nên người dân khó tiếp cận giao thông công cộng. Thành phố có thêm các tuyến xe buýt nhỏ là phù hợp với tình hình thực tiễn.
TP HCM hiện có 125 tuyến buýt nội tỉnh và 27 tuyến buýt kết nối với các tỉnh lân cận với hơn 2.000 chiếc. Trung bình mỗi năm thành phố trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng cho hệ thống xe buýt.
Hữu Công