Quốc hội dành trọn ngày 26/3 để thảo luận ở hội trường về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban.
Đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn, bà Vũ Thị Lưu Mai - Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, nói đây là hoạt động được người dân kỳ vọng, thước đo trong đánh giá cán bộ, cũng là nơi đòi hỏi các đại biểu thể hiện tinh thần thẳng thắn, đánh giá công bằng.
Theo bà Mai, hoạt động này chỉ mang ý nghĩa thiết thực khi không bị ảnh hưởng bởi tính hình thức.
Nữ đại biểu đề xuất thời gian tới, Quốc hội cần đánh giá việc tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm và quan tâm hai vấn đề. Thứ nhất, ba mức lấy phiếu tín nhiệm hiện nay là "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp" cao tính nhân văn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạch lạc trong việc đánh giá, khó so sánh kết quả những người được lấy phiếu tín nhiệm. Vì vậy, bà Mai nói, chỉ nên để hai mức "tín nhiệm" và "bất tín nhiệm".
![Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/29/a6f942e5dd862fd87697-9077-1616980023.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fqRQNf_A-1ZQaskmSz8uww)
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội. Ảnh: Giang Huy
Ngoài ra, Quốc hội đang lấy phiếu tín nhiệm một lần với các chức danh trong cả nhiệm kỳ (5 năm). Tuy nhiên, để đánh giá sự cố gắng, những tiến bộ của người được lấy phiếu tín nhiệm thì nên thực hiện 2 lần trong một nhiệm kỳ.
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đánh giá, Quốc hội khoá XIV đã thông qua những đạo luật bảo đảm minh bạch và không có biểu hiện tham nhũng chính sách. Tuy nhiên, trong hoạt động Quốc hội cần rà soát thật kỹ và giám sát chặt chẽ để tránh nguy cơ tiêu cực có thể xảy ra.
Cùng mạch ý kiến này, ông Nguyễn Mai Bộ - Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nhấn mạnh các đại biểu Quốc hội khóa XIV đã làm tròn vai người đại diện nhân dân. Tuy nhiên, tại kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ, ông muốn đặt vấn đề "liêm chính trong xây dựng pháp luật", vì pháp luật điều chỉnh chung các quan hệ, thúc đẩy xã hội phát triển.
![Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận sáng 26/3. Ảnh: Giang Huy](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/03/26/NGUYEN-MAI-BO-An-giang-JPG-5748-1616735044.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=liQfuK72FW8lEzaPBBqOsw)
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận sáng 26/3. Ảnh: Giang Huy
Theo ông Bộ, nếu không có liêm chính, vòng đời của các văn bản luật rất ngắn, kéo theo việc tốn kém thời gian, kinh phí để ban hành văn bản pháp luật thay thế, sửa đổi.
Khẳng định thành công trong xây dựng thể chế của Quốc hội khóa XIV, song đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cũng cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận một số tồn tại. Ngoài việc chậm trễ chuẩn bị hồ sơ các dự án luật, vẫn còn tình trạng đề xuất chính sách không phù hợp, thậm chí có dự án luật gây bức xúc cho dư luận.
Quốc hội khóa XIV lấy phiếu tín nhiệm các chức danh vào năm 2018. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đứng đầu về mức độ tín nhiệm. Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ bị đánh giá tín nhiệm thấp nhất.